Theo Đài khí tượng - Thủy văn Nam bộ, ngày 3/9, mực nước lên nhanh, trên sông Tiền ở Tân Châu (An Giang) là 4m, còn sông Hậu tại Châu Đốc là 3,53m. Các địa phương đang tích cực gia cố đê bao để bảo vệ hàng chục nghìn hécta lúa đang bước vào giai đoạn chuẩn bị thu hoạch.
Ông Võ Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Lạc Quới (Tri Tôn, An Giang), cho biết, mấy ngày nay, địa phương huy động hơn 700 người gia cố đê bao, đồng thời tích cực ngày đêm tuần tra đề phòng sự cố vỡ đê. “Năm nay lũ về sớm hơn mọi năm gần cả tháng, đồng thời mực nước lên nhanh và cao hơn cùng kỳ gây khó khăn trong công tác bảo vệ, đặc biệt là khu vực ngoài đê bao”, ông Tuấn nói.
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, nhận định: “Khi xả lũ, phù sa đóng góp vào dinh dưỡng đất không nhiều. Tuy nhiên, lũ đóng góp vào cân bằng sinh thái, giảm sâu bệnh, ô nhiễm môi trường. Đồng thời là điều kiện cho đất nghỉ ngơi mới là vấn đề chính”.
Ông Nguyễn Văn Thật, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, cho biết, người dân ở đây mùa lũ theo nghề câu lưới. Huyện đang đề xuất mô hình sinh kế giúp dân là sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu sẽ trữ cá tự nhiên bằng cách làm hom cho cá vào ruộng, trữ lại cho sinh sản, phát triển đến khi nước rút rồi thu hoạch.
Hàng chục nghìn hecta lúa ở ÐBSCL bị đe dọa do lũ và xả đập
Lũ lên nhanh cùng với việc xả hai đập Tha La và Trà Sư (An Giang) khiến hàng chục nghìn hécta lúa ở ĐBSCL, đặc biệt là các tỉnh đầu nguồn An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp bị đe dọa nghiêm trọng.
Người dân lặn ngụp mò gặt lúa ở An Giang. |
Theo Tiền Phong