Đài quan sát quốc gia Athens (NOA) cho biết cháy rừng đã thiêu trụi 50.000 hecta đất, khiến tháng 7 trở thành giai đoạn có thiệt hại đất đai nghiêm trọng nhất trong 13 năm của Hy Lạp. Lý giải về tình trạng này, Giám đốc nghiên cứu của NOA, Charalampos Kontoes nhấn mạnh Hy Lạp đã trải qua mùa Đông khô ráo, các cơn mưa mùa Xuân không đủ để duy trì độ ẩm trong đất.
Bộ trưởng Bảo vệ dân sự Hy Lạp Vassilis Kikilias cho hay lực lượng cứu hỏa đã phải nỗ lực ứng phó với hơn 600 đám cháy trong tháng này, tương đương 50-70 đám cháy/ngày. Doanh nghiệp và các trang trại trên các đảo du lịch Corfu và Rhodes, đảo lớn thứ 2 của Hy Lạp là Evia và vùng nông thôn gần Volos, miền Trung nước này là những nơi chịu thiệt hại nhiều nhất trong năm nay.
Hiệp hội bảo hiểm cho nông dân Hy Lạp (ELGA) ước tính cháy rừng tại đảo Rhodes đã thiêu trụi 50.000 cây oliu và làm 2.500 động vật chết. Tại vùng Volos, vụ mùa nho và ngũ cốc cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng.
Mỗi năm Hy Lạp đều phải hứng chịu các trận cháy rừng. Trong năm 2007, cháy rừng tại bán đảo Peloponnese và đảo Evia đã cướp đi sinh mạng của 84 người. Năm 2018, đã có 103 người thiệt mạng do cháy rừng tại Mati, khu nghỉ dưỡng ven biển gần thủ đô Athens.
Người đứng đầu Liên hiệp lâm nghiệp Hy Lạp Nikos Bokaris nhận định cháy rừng liên tiếp đang khiến hệ sinh thái nước này đối mặt với nguy hiểm. Các khu rừng được chuyển đổi thành đất nông-lâm nghiệp. Phong cảnh khu vực đang có xu hướng thay đổi và trở nên giống hơn với khu vực châu Phi. Đài quan sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) ước tính lượng khói thải ra từ các trận cháy rừng tại Hy Lạp đã lên mức cao nhất trong 21 năm.
Trong khi đó, các ngọn núi xung quanh thủ đô Athens ghi nhận cháy rừng khoảng 6 năm một lần. Điều này ảnh hưởng đến hệ sinh thái của một trong những thành phố đông dân nhất châu Âu và chiếm hơn 1/3 dân số Hy Lạp. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng tại Athens do có rất ít không gian xanh tại đây trong khi các tòa nhà bê tông tạo nên môi trường nhiệt khép kín. Chính phủ Hy Lạp cho rằng cuộc khủng hoảng khí hậu là nguyên nhân chính gây cháy rừng.
Trong năm 2022, Hy Lạp đã nhận được 55 triệu euro (60 triệu USD) từ ngân sách của EU để ngăn ngừa cháy rừng và 86 triệu euro (94,9 triệu USD) trong năm nay. Đại diện của Liên hiệp lâm nghiệp Hy Lạp Bokaris đề xuất nên để những vùng đất bị cháy rừng thiêu trụi có thời gian tái sinh trở lại và cấm chuyển đổi rừng thành đất trồng trọt hoặc xây dựng. Theo chuyên gia Alexandra Messare của tổ chức Greenpeace Hy Lạp, cuộc khủng hoảng khí hậu không đột nhiên xuất hiện và sự hợp tác giữa chính phủ, chính quyền địa phương và lực lượng tình nguyện sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này.