Trong vòng vài tuần sau khi Taliban tiến vào thủ đô, nhiều tác phẩm nghệ thuật đường phố đã bị sơn lại, thay thế bằng các khẩu hiệu tuyên truyền tái hiện lại tầm nhìn khắc khổ của họ về Afghanistan.
Hình ảnh những người công nhân lăn sơn trắng lên các bức tranh tường là điềm báo sâu sắc cho Sharifi, người sáng lập nhóm họa sĩ ArtLords đã tạo ra hơn 2.200 bức tranh tường trên khắp Afghanistan kể từ năm 2014.
"Taliban đang phủ một tấm vải liệm (kaffan) lên khắp thành phố Kabul", Sharifi chia sẻ.
Dù đang phải trú ẩn tại một trại tị nạn ở UAE và chứng kiến thành quả của ArtLords bị chính quyền mới xóa bỏ, nhưng Sharifi cho biết anh sẽ tiếp tục chiến dịch của mình.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ im lặng", người đàn ông 34 tuổi khẳng định. "Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng thế giới sẽ nghe thấy chúng tôi. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng Taliban bị xấu hổ mỗi ngày."
Trong số các bức tranh tường bị xóa bỏ, có một bức vẽ lại cảnh đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad và người đồng sáng lập Taliban, Abdul Ghani Baradar, bắt tay nhau sau khi ký thỏa thuận năm 2020 rút quân Mỹ khỏi Afghanistan. Ảnh: Foreign Policy |
Thông qua ArtLords, Omaid Sharifi và các cộng sự sử dụng nghệ thuật để vận động cho hòa bình, công bằng xã hội. Các tác phẩm của họ thường bêu xấu các quan chức chính phủ và thủ lĩnh địa phương nổi tiếng với hành vi tham nhũng.
Ngoài ra, họ còn tôn vinh các anh hùng Afghanistan, kêu gọi đối thoại thay vì bạo lực và đấu tranh cho quyền của phụ nữ.
Các thành viên của ArtLords đã bất chấp những lời đe dọa tính mạng và bị các phần tử Hồi giáo cực đoan coi là kẻ ngoại đạo.
Vào sáng ngày 15/8, khi các tay súng Taliban chuẩn bị tiến vào Kabul, Sharifi và 5 đồng nghiệp của mình đã đi thực hiện một bức tranh tường bên ngoài một tòa nhà chính phủ.
Trong vòng vài giờ, họ thấy những người hoảng loạn chạy ra khỏi các văn phòng chính phủ.
"Tất cả các con đường đã bị phong tỏa," Sharifi nói. "Quân đội, cảnh sát xuất hiện từ mọi phía, họ bỏ lại xe cộ và tháo chạy."
Chỉ sau đó, cả nhóm nghệ sĩ mới nhận ra Taliban đang chuẩn bị vào tiếp quản thủ đô.
- 'Nó không bao giờ biến mất' -
Năm 1996, cậu bé 10 tuổi Omaid Sharifi đã trải qua giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử Afghanistan. Taliban đã áp đặt nền cai trị hà khắc lên người dân cho tới khi bị quân đội Mỹ lật đổ vào năm 2001.
"Lần trở lại này, tôi không nghĩ họ sẽ thay đổi", Sharifi nói. Giống như Sharifi, nhiều người Afghanistan hoài nghi về những tuyên bố của Taliban về một chính phủ mềm mỏng hơn.
Hàng chục nghìn người Afghanistan đã đổ xô đến sân bay Kabul khi thủ đô thất thủ, họ sợ hãi trước viễn cảnh sống dưới sự cai trị của Taliban, trong số đó có rất nhiều nghệ sĩ như Sharifi.
"Rời khỏi quê hương là một quyết định khó khăn, tôi chỉ hy vọng không ai từng trải qua những gì chúng tôi đã trải qua", anh nói. "Afghanistan là nhà của tôi, là bản sắc của tôi. Tôi không thể gạt hết gốc rễ của mình và gieo nó vào một nơi khác trên thế giới."
Sharifi cho biết anh không sợ những lời đe dọa tính mạng, vì chính quyền cũ từng nhiều lần làm vậy với họa sĩ này.
"Điều đáng sợ nhất là tôi sẽ không có tiếng nói", Sharifi khẳng định.
Sharifi cho biết anh đã có thể giúp 54 nghệ sĩ trốn thoát cùng gia đình của họ, nhưng hơn 100 nghệ sĩ vẫn còn mắc kẹt ở lại.
"Tất cả bọn họ đều đang lẩn trốn, tất cả đều sợ hãi. Họ chỉ đang cố gắng tìm cách thoát khỏi Afghanistan", Sharifi nói.