Đây là nhận định chung của cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố Hải Phòng qua theo dõi Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Đảng viên Vũ Đình Thắng, quận Lê Chân cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước những năm qua luôn được đẩy mạnh, tăng cường, với quyết tâm chính trị rất cao, kiên quyết, kiên trì, không ngừng nghỉ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều đại án đã được phát hiện, điều tra và đưa ra xét xử với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Quốc hội nước ta đã có Luật Phòng, chống tham nhũng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phòng, chống tham nhũng, góp phần to lớn trong công cuộc đấu tranh với "giặc nội xâm", tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ.
Nhân dân thành phố Cảng cũng như cá nhân ông Vũ Đình Thắng bày tỏ sự đồng tình và tin tưởng vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước những năm qua khi hàng loạt các vụ án tham nhũng lớn được đưa ra truy tố, xét xử, "không có vùng cấm", một lần nữa quan điểm "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được khẳng định trong Hội nghị Trung ương 5 lần vừa qua khi Ban Chấp hành Trung ương thống nhất với Đề án thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh do Bộ Chính trị trình, cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc bài trừ "giặc nội xâm" này. Đặc biệt, Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 có ý nghĩa rất quan trọng, bàn về những vấn đề liên quan đến chống "giặc nội xâm", giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị, củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ ta, được cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm.
Với mong muốn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả, ông Vũ Đình Thắng đề nghị, Trung ương tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật thật chặt chẽ, nghiêm minh, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước hiệu quả, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, ngăn ngừa vi phạm để các tập thể, cá nhân "không thể, không muốn, không dám tham nhũng" như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng đó với đó là rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, thể chế kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức. Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể việc triển khai việc thành lập và tổ chức đi vào hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đảng viên, nguyên sỹ quan quân đội Khoa Kim Bằng, quận Hải An, Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và quyết tâm cao hơn nữa của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới, ông Khoa Kim Bằng cho rằng, trước hết cần đẩy mạnh công tác tổ chức xây dựng Đảng, gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng công tác cán bộ; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Đối với công tác cán bộ cần tăng cường luân chuyển, điều động cán bộ giữa các cấp, các khu vực, lĩnh vực gắn với yêu cầu đào tạo, rèn luyện, tạo nguồn cán bộ trẻ, có triển vọng nhằm chủ động khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, cần nghiên cứu ban hành và thực hiện cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, vì sự phát triển của đất nước, của địa phương.
Về nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, theo ông Khoa Kim Bằng cần chủ động phát hiện, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên và tổ chức đảng; thực hiện nghiêm quy định, hướng dẫn về xử lý, giải quyết đơn thư, tiếp đảng viên và công dân, không để tình trạng gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, tình trạng đơn thư vượt cấp; phát huy trách nhiệm của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần đẩy mạnh xử lý vụ việc, vụ án về nội chính, tham nhũng, nhất là vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, vụ việc, vụ án mà Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiến nghị các địa phương theo dõi, chỉ đạo. Song song với đó là nâng cao vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.