Tròng trành trên thuyền đi tìm chữ
Vượt hơn 60 km từ thị Trấn Đà Bắc (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) chạy ngược lên phía Tây Bắc men theo những con đường bê tông nhỏ hẹp nhiều đoạn quanh co, khúc khủy do mới hoàn thiện, thỉnh thoảng vượt những đoạn đường còn nguyên đất, đá dăm, đá hộc đầy rẫy ổ voi, ổ gà lổm chổm, cỏ dại mọc um tùm hai dốc bên hiểm trở… tôi mới tìm được về xóm Nhạp (xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc).
Xóm Nhạp là xóm nghèo nhất của xã Đồng Ruộng, gồm 52 hộ dân, 209 nhân khẩu, chủ yếu là người Mường và Tày sinh sống. Xóm nằm thọt lỏm dưới lòng hồ sông Đà, có tới hơn một nửa người dân trong xóm này sống ngoài đất đảo của xã, tách biệt hẳn với khu đất liền do thiếu đất dựng nhà.
Bà con xóm Nhạp sống dựa vào nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản gần bờ là chính vì địa hình bao bọc xung quanh chỉ có núi đá hiểm trở, liên tục sạt lở bốn mùa, nước đưa từ dưới lên rất khó nên chẳng thể nào trồng được các loại cây nông nghiệp.
Cuộc sống của người dân xóm Nhạp vốn đã khó khăn, càng gặp khó khăn hơn bởi hệ thống giao thông không thuận tiện. Tất cả các hoạt động mưu sinh, sản xuất nếu người dân muốn di chuyển từ xóm vào đất liền hoặc từ xóm liên tỉnh đều phải dựa vào bè mảng (dài hơn 5m, được ghép bằng gần chục cây bương to) tròng trành đi hơn 1km trên dòng sông Đà mới tới được điểm đầu bờ bên kia và ngược lại.
“Tôi cũng không nhớ rõ từ bao giờ việc đi lại của bà con chúng tôi phải khổ sở như thế nữa. Chúng tôi đi ra ngoài xóm hoặc đi từ ngoài vào xóm đều phải di chuyển bằng bè mảng. Thậm chí đi mua gói mì chính, mắm, muối, các vật dụng sinh hoạt nhỏ nhất cũng đều phải đi bằng bè”, ông Sa Quang Thống (45 tuổi, người dân xóm Nhạp) cho hay.
Nhiều em học sinh phải di chuyển trên những chiếc bè mảng tròng trành qua sông Đà để tới lớp. Ảnh: Cao Hương/Tầm Nhìn.
Tất cả người dân xóm Nhạp chủ yếu dùng bè mảng phục vụ sinh hoạt và trong sản xuất. Nhưng từ khi được sự vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương về lối sống lành mạnh, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và về con đường học tập cho con em trong xóm… người dân nơi đây ai nấy cũng mong muốn con em họ có một tương lai tốt đẹp nên nhanh chóng tìm địa điểm để xây dựng trường học tạm trên đất đảo (hiện nay có hai nhà học, 1 nhà dành cho lớp mẫu giáo, 1 nhà dành cho lớp 1 đến lớp 5).
Tuy nhiên, do gần một nửa các cháu nhỏ học sinh sống phía bên kia bờ và ngoài con đường nước thì chẳng có con đường nào khác để đi vào trường nên người dân sử dụng luôn bè mảng trong việc đón đưa con em đến lớp.
“Những ngày nào không có bố mẹ hoặc các bác đưa, đón đến lớp thì bọn cháu đều tự đi bè từ đầu bên kia sang đầu bên này để tới lớp. Mới đầu chúng cháu sợ lắm nhưng dần dần rồi cũng thành quen ạ”, cháu Sa Đức Tiệp (học sinh lớp 5) kể lại.
Các em nhỏ xóm Nhạp di chuyển trên những chiếc bè mảng tròng trành, chẳng có các vật dụng cứu hộ nhưng nguy hiểm dần dần rồi cũng thành quen bởi ai nấy trong các em cũng “thèm khát” cái chữ, “thèm khát” được lên lớp nghe cô giáo giảng bài nên cảm giác sợ sệt sông nước nhanh chóng bị biến mất.
Dù ngày mưa hay ngày nắng, hàng chục em nhỏ đều không quản ngại vất vả, nguy hiểm ngồi trên bè mảng vượt sông nước để nhanh chóng đến lớp học, đều đặn (chỉ trừ mưa bão lớn mới nghỉ).
Được biết, nhiều em nhỏ đã tự mình nhảy xuống nước học bơi để phòng những trường hợp xấu xảy ra có thể tự cứu mình, cứu bạn.
Cây cầu từng là niềm hy vọng của người dân xóm Nhạp nay chỉ nằm chổng trơ giữa trời.
“Cây cầu bắc ngang sông… chỉ là mơ”
Cách đây 3 năm niềm vui của người dân được nhân lên khi họ nhận được tin có chương trình dự án xây dựng cầu bắc qua sông (đoạn gần nhất khoảng hơn 100m) các, do Công ty cổ phần đầu tư năng lượng, xây dựng Thương mại Hoàng Sơn làm chủ đầu tư và thi công.
Tuy nhiên, niềm vui ấy chưa được bao lâu thì bị vùi tắt bởi trong quá trình xây dựng cầu các công nhân đã xây dựng hai trụ cột sai thiết kế nên công trình nhanh chóng bị hoãn lại.
Do việc các em tự chèo bè đến lớp nguy hiểm nên phụ huynh các em đã tự bỏ tiền thuê người chở các em qua sông, đến trường. Tuy nhiên, những chuyến thuyền tròng trành không hề có bất kỳ một thiết bị hay vật dụng cứu hộ nào.
Nguy hiểm hơn, là dọc phía chân núi đá điểm tiếp điểm giáp với lòng sông Đà chạy thắng vào trường học, các công nhân xây dựng đã tiến hành dùng máy xúc, mìn để phá để đá mở đường theo bản thiết kế hướng đường cầu. Nhưng càng phá thì đá trên núi càng sạt lở nên các công nhân cũng bỏ dở dang, giữa chừng như cây cầu. Thấy đá núi sạt lở nhiều người dân xóm Nhạp cũng không dám tiếp cận hoặc cho học sinh đi gần khu vực.
Con đường dẫn từ phần cây cầu thi công vào điểm lớp ở xóm Nhạp bị đất đá sạt lở rất nguy hiểm.
Chiều ngày 15/12, trao đổi với PV Ngày Nay Online, ông Quách Công Hưng – Trưởng thôn xóm Nhạp cho biết: “Việc người dân xóm Nhạp, đặc biệt là các em học sinh phải đi đến trường học bằng bè mảng ghép lại với nhau là có thật.
Từ thời điểm công ty Hoàng Sơn dừng thi công xây dựng cầu bà con chúng tôi ai nấy cũng tuyệt vọng, đồng thời tiếp tục làm đơn kiến nghị gửi lên chính quyền các cấp để mong hỗ trợ xây dựng một cây cầu, phục vụ việc sản xuất, mưu sinh của bà con, học hành của các cháu được diễn ra một cách thuận tiện hơn nhưng có lẽ cây cầu bắc ngang sông… chỉ là mơ”.
Theo tìm hiểu của PV Ngày Nay Online được biết, trước đây hầu hết mọi người trong xóm Nhạp chủ yếu dùng bè mảng để di chuyển nhưng do xảy ra nhiều trường hợp người lẫn phương tiện bà con trong xóm bị ngã, rơi xuống sông nên các gia đình đều cố gắng gom góp vốn, ai chưa có đủ thì vay mượn tạm anh chị em, họ hàng để sắp một chiếc thuyền sắt nhỏ hay tự đúc lấy một chiếc thuyền bằng xi măng.
Nếu không có tiền mua thuyền sắt, người dân tự đúc thuyền bằng xi măng làm phương tiện di chuyển những lúc cần thiết.
“Bây giờ chúng tôi cũng hạn chế việc cho các cháu nhỏ tự chèo bè đến lớp. Thay vào đó là thuê người chở đón các cháu từ bên này sang đầu bên kia sông (ngược lại), mỗi lượt đi là 2 nghìn đồng, số tiền này đều được cha mẹ các cháu đóng góp đầy đủ hàng tháng”, ông Quách Công Hưng cho biết thêm.
Ông Bùi Văn Sự (người dân xóm Nhạp) chia sẻ: ”Sống hơn một nửa cuộc đời chúng tôi cũng già rồi nên việc đi lại lỡ may bị ngã xuống nước cũng chẳng vấn đề gì. Lo là lo cho các cháu nhỏ thôi, chúng tôi ai nấy cũng đều mong các cơ quan, ban ngành các cấp quan tâm để cho con em chúng tôi sớm có được cây cầu, sau này cho chúng nó bớt khổ”.
Liên quan đến vấn đề trên, sáng ngày 16/12, trao đổi với PV, ông Quách Công Lâm – Chủ tịch UBND xã Đồng Ruộng cho biết: “Xã Đồng Ruộng có 6 xóm, hơn 500 hộ dân, chủ yếu là nghèo và cận nghèo. Người dân xóm Nhạp phải chèo bè mảng, đi bè xi măng để qua sông diễn ra từ lâu. Sau nhiều lần nhận được đơn kiến nghị của bà con chúng tôi cũng đã gửi lên cấp trên xem xét cho hỗ trợ, sớm xây dựng cho bà con cây cầu để bà con bớt khổ hơn”.
Bài tiếp: Chùm ảnh chuyến đi tròng trành của học sinh xóm Nhạp.
M. Hưng