Đại diện của các nước tham dự Hội nghị khí hậu của LHQ lần thứ 20 (COP-20) ở Thủ đô Lima của Peru đã nhất trí về một thỏa thuận khung cam kết cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Đây được xem là tín hiệu tích cực mở đường cho việc đạt được thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu vào năm 2015. Tuy nhiên, những vấn đề "hóc búa" còn tồn tại.
Đây là hội nghị cuối cùng trước thời hạn chót cho việc đạt được một hiệp định mới về chống biến đổi khí hậu tại COP-21 dự kiến diễn ra vào tháng 12-2015 ở Pháp, thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020. Theo lịch trình ban đầu, COP-20 diễn ra từ ngày 1 đến ngày 12-12 nhưng phải kéo dài thêm 32 giờ đồng hồ để các bên đạt một thỏa thuận.
Theo thỏa thuận khung đạt được tại COP-20, từ nay đến trước ngày 31-3-2015, 190 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCC) sẽ phải thông qua kế hoạch hành động quốc gia về chống biến đổi khí hậu, sau đó tiếp tục đưa ra một báo cáo đánh giá tổng quát về mục tiêu của các nước trong nỗ lực ngăn nhiệt độ Trái đất tăng quá 2 độ C so thời kỳ tiền công nghiệp.
"Gây ô nhiễm thì phải có trách nhiệmgì vậy. Tôi không nghe, không thấy gì cả" |
Những báo cáo trên được xem là cơ sở cho việc thảo luận và xây dựng dự thảo thỏa thuận toàn cầu mới đệ trình COP-21. Ngoài ra, thỏa thuận cũng yêu cầu các nước giàu tiếp tục hỗ trợ tài chính cho những nước bị ảnh hưởng mạnh nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời sớm hoàn thiện cơ cấu pháp lý về cơ chế thiệt hại và đền bù thiệt hại.
Theo đánh giá của một số nhà quan sát, thỏa thuận khung được xem là “thỏa thuận cùng thắng” do quy tụ tất cả các nước, cả nhóm phát triển và đang phát triển, cùng tham gia cuộc chiến cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Điều này gạt bỏ những lo lắng của Trung Quốc và Ấn Độ, hai trong số ít các quốc gia đứng đầu thế giới về phát thải khí CO2, vốn kịch liệt phản đối các văn bản dự thảo trước đó với lý do đặt gánh nặng quá lớn cho các nền kinh tế mới nổi so các nước giàu.
Thế nhưng, thỏa thuận được coi là bước đệm cho COP-21 tại Paris năm sau vẫn chưa thể làm an lòng nhiều người, chủ yếu do các quốc gia đang phát triển cho rằng thỏa thuận này chưa mang nhiều tính ràng buộc, cũng như chưa giải quyết được mâu thuẫn cơ bản giữa các bên tham gia. Nhiều ý kiến lo ngại cuộc tranh cãi về trách nhiệm cắt giảm khí thải sẽ tiếp diễn sau COP-20, bởi thỏa thuận khung vẫn chưa quy định trách nhiệm tại chính cụ thể của phương Tây, cũng như chưa hoàn thành vai trò “trọng tài” khi các nước giàu đổ lỗi cho một số nền kinh tế mới nổi sử dụng nguyên liệu ồ ạt gây ô nhiễm.
(Ảnh: Newsmobile) |
Bên cạnh đó, thỏa thuận khung cũng không bắt buộc các thành viên phải đưa ra cam kết cụ thể về việc họ sẽ làm thế nào để đáp ứng những mục tiêu cắt giảm phát thải. Điều này có nghĩa các bên có thể tự đặt ra các mục tiêu cắt giảm khác nhau. Thí dụ, Trung Quốc có thể sẽ đặt mục tiêu cắt giảm khoảng 20% lượng khí thải sau khi phát thải đạt đỉnh vào năm 2030, theo thỏa thuận đã ký với Mỹ bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 20 tại Bắc Kinh hồi tháng trước. Trong khi đó, Mỹ rất có thể cũng sẽ dựa vào thỏa thuận với Trung Quốc để kéo dài thời gian thực hiện cam kết cắt giảm phát thải của mình.
Thỏa thuận khung tại COP-20 tái khẳng định duy trì nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có phân biệt” và “tùy theo khả năng của mỗi nước”, chính vì thế các quốc gia nghèo và đang phát triển cho rằng sự nhượng bộ của nhóm nước giàu tại COP-20 chỉ là tạm thời. Do đó, dù là tín hiệu tích cực song thỏa thuận khung đạt được lần này mới chỉ được xem là bước tiến nhỏ so kỳ vọng lớn của cộng đồng quốc tế.
Xem thêm:
1. 12 bộ phim ‘bom tấn’ hứa hẹn ‘gây bão’ năm 2015 (Phần cuối)
2. Những dòng sản phẩm Apple sẽ trình làng năm 2015
3. 10 'siêu phẩm tốc độ’ đắt nhất hành tinh năm 2014
4. National Geographic công bố 19 bức ảnh xuất sắc nhất cuộc thi thường niên 2014
5. Gió Mặt Trời có thể dự báo đường đi của thiên thạch lao vào Trái Đất