Hát phường vải thường diễn ra vào những đêm trăng thanh gió mát, những lúc thư giãn sau thời gian lao động mệt nhọc, chị em thường tập hợp thành phường, vừa quay xa kéo sợi, vừa hát góp vui bằng những câu hát có vần tự nghĩ ra; trai làng dạo chơi trong đêm bị níu chân bởi những lời ca ngọt ngào sâu lắng, cũng dừng lại đối đôi lời câu vui. Hát phường vải trở thành những câu hát lứa đôi cứ diễn ra trong suốt mùa kéo sợi hằng năm và được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Hát phường vải ở vùng đất Nghệ An cũng giống như hát ví, hát lượn ở một số vùng khác, hai bên con trai con gái hát đối nhau, bên này hỏi, bên kia trả lời; nhưng cái khó của hát phường vải là có bao nhiêu câu hỏi thì phải có ngần ấy câu đáp lại, hoặc ít hơn, nhất thiết không được nhiều hơn, mà phải đủ ý của câu hỏi; trong hát phường vải, phe nữ luôn là vai chủ, phe nam luôn là vai khách nhưng hai bên luôn luân phiên, vừa vào vai cất giọng hát, vừa đóng vai người nghe; điều đặc biệt phe nữ là những cô gái lao động làm nghề kéo vải, quanh năm gắn bó với công việc trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa gắn với khung cửi xa quay, còn phe nam thì nghề nghiệp đa dạng, phong phú hơn, đó có thể là chàng trai lao động làm nông nghiệp, chài lưới, có thể là sĩ tử đang dùi mài kinh sử cũng có thể là ông thầy đồ làm nghề gõ đầu trẻ, tuy nhiên cho đến nay, khi nhắc tới lịch sử ra đời của hát phường vải cũng không ai xác định rõ được thời điểm xuất hiện của loại hình dân ca này.
Ông Trần Văn Tư, là nghệ nhân dân gian, một người cao tuổi hát phường vải xã Kim Liên, huyện Nam Đàn cho biết: “Theo cha ông kể lại, hát phường vải truyền bá từ thời nào cũng không ai rõ, chỉ biết là từ lúc sản xuất ra bông thì từ đó có hát phường vải, bởi khi có bông sẽ xuất hiện nghề quay tơ, kéo sợi, sản xuất ra vải, rồi xuất hiện hát phường vải. Thời cụ Phan Bội Châu rồi sau này đến đời của bà Hoàng Thị An là dì ruột Bác Hồ - một phụ nữ rất thông nho học, cũng tham gia hát phường vải và quê hương Kim Liên, Nam Đàn là cái nôi của hát phường vải Xứ Nghệ”.
Cụ Trần Văn Tư (giữa) đang truyền dạy hát phường vải. |
Hát phường vải còn có ở nhiều nơi, nhưng không đâu lại có những thủ tục chặt chẽ và có nhiều tài bẻ hát nổi tiếng như ở đất Kim Liên, chính nơi đây đã sinh ra những nghệ nhân câu ví phường vải, các cô gái phường vải trẻ trung xinh đẹp thuở nào giờ thành những cụ già miệng móm mém nhai trầu, tóc đã bạc pha sương nhưng họ vẫn giữ nguyên lề lối xưa, những câu chào phường vải, hát mời nước mỗi khi có khách đến chơi nhà.
Bà Hoàng Thị Út, thôn Hoàng Trù, xã Kim Liên, một nghệ nhân hát phường vải có tiếng từ lúc còn là thiếu nữ mười sáu, mười bảy tuổi, giờ đây, khi đã bước sang tuổi chín mươi bà vẫn cố gắng truyền dạy những câu hát phường vải cho con, cho cháu trong nhà. Những câu hát như: Nhất ơ vui là cảnh Kim Liên/Cảnh đà có cảnh người nên có người/Hỏi chường (chàng) quê quán nơi đâu/Mà chường lại biết vườn dâu có tằm…” luôn được bà ghi nhớ để dạy lại cho con cho cháu. Bà tâm sự: “Ngày xưa chúng tôi say mê hát phường vải lắm, giờ tôi trao truyền lại cho con cho cháu, mong sao chúng không làm mất đi truyền thống hát phường vải đất Kim Liên này, giờ con cháu, dâu rể trong nhà tôi đều biết hát phường vải”. Chị Đinh Thị Xoan, con dâu của bà Út kể rằng: “Mẹ tôi thường dặn con cháu phải học hát phường vải, khi thế hệ các bà đang sống và đang có sức truyền dạy lại, kẻo mai đây mai một dần câu hát”.
Trải qua thời gian những đêm hát phường vải cứ thưa dần rồi vắng bóng cùng với sự xâm nhập của bông sợi tràn ngập thị trường, sự ra đời của các nhà máy dệt, công việc quay xa không còn thịnh hành như trước. Đối với những nghệ nhân cao tuổi thì những đêm đi hát phường vải là kỷ niệm đẹp. Muốn khôi phục hát phường vải, công việc đầu tiên là phải sưu tầm lại những câu hát của ngày xưa, đó cũng là nguồn tài liệu để truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Ông Tư đã rong ruổi khắp làng trên ngõ dưới, chắp nối, sưu tập được những lời hát đầy thú vị; không chỉ tái hiện lại chiếc xa quay truyền thống, ông còn cùng các nghệ nhân đã vận động con cháu lập ra Câu lạc bộ hát phường vải Kim Liên, Nam Đàn, mỗi tuần vài ba lần, tiếng hát phường vải lại vang lên, trong thôn xóm, câu lạc bộ phường vải Kim Liên đã có gần 30 thành viên tham gia, từ thiếu niên, thanh niên đến trung niên và các cụ trong làng, người già luyện cho người trẻ từng câu hát, từng động tác quay xa.
Niềm vui chợt đến khi Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO vinh danh, cùng với đó là Đề án gìn giữ, bảo tồn và phát triển hát phường vải của ngành VHTTDL nhằm phục dựng lại những đêm trăng phường vải, vừa lao động sản xuất, kéo sợi quay tơ, vừa hát giao duyên đối đáp vào những đêm trăng sáng hay khi có khách du lịch yêu cầu, các nghệ nhân cùng với những người hát giỏi trong làng lại tất bật cho buổi hát phường vải.
Vẫn biết việc bảo tồn hát phường vải còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực của ngành VHTTDL và sự chung tay của các nghệ nhân trên vùng đất Kim Liên, Nam Đàn, sức sống phường vải nhất định sẽ lan tỏa. Hát phường vải sẽ mãi mãi là di sản văn hóa quý giá trong kho tàng dân ca vùng đất xứ Nghệ.
Đưa dân ca Ví, giặm thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng
Trong quý 3 năm 2015, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức truyền dạy, dàn dựng các tác phẩm diễn xướng dân ca Ví, giặm và biên tập các tác phẩm “Về miền Ví, giặm”, “Một lòng đợi bạn”, “Diễn xướng phường vải”, “Diễn xướng phường nón”, “Diễn xướng phường cấy”, “Diễn xướng phường chài”, “Thử lòng chung thủy”, “Bần hát ghẹo”, “Phụ tử tình thâm”, “Khúc hát giao duyên”... thành những kịch bản chương trình mẫu có thời lượng 20 đến 25 phút.
Bên cạnh đó, Nghệ An tổ chức truyền dạy cách sử dụng các nhạc cụ như nhị, bầu, sáo, trống, thập lục vận dụng vào trong các tác phẩm Ví, giặm được dàn dựng; hỗ trợ câu lạc bộ dân ca Ví, giặm các trang phục biểu diễn, đĩa nhạc thu âm toàn bộ phần nhạc các tác phẩm, đạo cụ dùng trong các tác phẩm được tập huấn dàn dựng biểu diễn để câu lạc bộ duy trì biểu diễn các tiết mục.
Xem thêm:
Chàng trai trẻ đánh thức vốn quý Nam Tây Nguyên
UNESCO vinh danh Vườn thực vật Singapore là di sản thế giới
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên: “Tôi rất hi vọng Ví, Giặm sống mãi với thời gian”