Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký công văn về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại. Công văn gửi tới Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân Y, Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng).
Tại công văn này, Bộ Y tế cho biết người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine do Sinopharm sản xuất thì có thể tiêm liều bổ sung và nhắc lại bằng vaccine AstraZeneca sản xuất.
Đối với liều dùng vaccine do Moderna sản xuất, người tiêm liều bổ sung thì sử dụng liều là 0.5ml; Còn với người tiêm liều nhắc lại (người đã tiêm 2 mũi trước đó bằng bất cứ loại vaccine gì), liều dùng là 0,25ml (tức là 1/2 liều cơ bản).
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trên tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh/thành hoặc Lãnh đạo Bộ của đơn vị mình quyết định đối tượng thêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19; Rà soát kĩ càng và tổ chức tiêm vét, đảm bảo tất cả người dân có đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều vaccine. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur được giao nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng.
Trước đó, ngày 17/12/2021, Bộ Y tế có công văn số 1072 về tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại. Theo đó đối tượng được tiêm liều bổ sung vaccine COVID-19 là người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine) bao gồm: Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...; Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine của hãng Sinopharm hoặc vaccine Sputnik V.
Việc tiêm 1 mũi bổ sung được thực hiện sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.
Với liều nhắc lại, đối tượng gồm người từ 18 tuồi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế. Tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản... Việc tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại, theo Bộ Y tế là để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản.
Đến ngày 28/1, tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm ở nước ta là 180.366.266 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.023.934 liều, tiêm mũi 2 là 74.011.623 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 27.330.709 liều.
Từ ngày 29/1, cũng là ngày đầu tiên trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cả nước bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân năm 2022 theo phát động của Thủ tướng Chính phủ.
Theo phát động của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngành y tế và các địa phương đã khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch này với tinh thần làm việc xuyên Tết, làm ngay, làm tốt, làm hiệu quả ngay trong những ngày nghỉ Tết. Các lực lượng sẽ "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ các đối tượng được chỉ định.
Theo mục tiêu, hết tháng 1, sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 12-17 tuổi; trong quý I, hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, trừ các đối tượng chống chỉ định.