Tăng trưởng cũng sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc, cũng như các chính sách hỗ trợ nền kinh tế ở Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra, việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong nửa sau của năm 2021.
Dự báo tăng trưởng năm 2021 được điều chỉnh tăng 0,3% so với dự báo trước đó vào tháng 10 năm ngoái, theo bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới, được công bố vào thứ Ba. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế vẫn ở dưới mức trước đại dịch, tổ chức IMF khẳng định.
Theo cơ quan tài chính toàn cầu, trong khi Mỹ và Nhật Bản dự kiến sẽ đạt lại mức tăng trưởng như cuối năm 2019 vào nửa cuối năm 2021, tăng trưởng của EU và Vương quốc Anh dự kiến sẽ duy trì dưới mức cuối năm 2019 vào năm 2022.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dự kiến sẽ duy trì “đà phục hồi mạnh mẽ”, với mức tăng trưởng đạt 8,1% trong năm nay sau “các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, hỗ trợ đầu tư công và thanh khoản mạnh mẽ của ngân hàng trung ương”, IMF nói.
Ông Malhar Nabar, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF, cho biết Trung Quốc đã trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch trong quý 4 năm 2020, vượt xa các quốc gia khác do đẩy mạnh các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ tăng trưởng 4,3% vào năm 2021, tăng 0,4% so với dự báo cuối cùng của IMF.
IMF đã liệt kê các kế hoạch kích thích kinh tế mới nhất của Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu, cho rằng sẽ “giúp thúc đẩy hoạt động kinh tế giữa các nền kinh tế tiên tiến với sự lan tỏa thuận lợi tới các đối tác thương mại”.
Những kế hoạch này bao gồm đề xuất gói kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden và gói giải cứu 900 tỷ USD đã được phê duyệt vào tháng 12. Trong khi đó Nhật Bản triển khai các gói kinh tế trị giá 3 nghìn tỷ USD. Còn EU đã phê duyệt quỹ cứu trợ trị giá 900 tỷ euro (857 triệu USD).
Báo cáo của IMF nhấn mạnh rằng sự phục hồi của hoạt động kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đồng thời cảnh báo rằng sự phục hồi dự kiến có thể bị đẩy lùi nếu các biến thể mới của virus tỏ ra khó ngăn chặn và việc triển khai vaccine tiếp tục bị trì hoãn.
Theo IMF, đại dịch có khả năng gây ảnh hưởng lâu dài đến các nhóm thu nhập thấp, với cuộc khủng hoảng y tế dự kiến sẽ đảo ngược tiến độ giảm nghèo trong hai thập kỷ qua.
IMF cảnh báo gần 90 triệu người có khả năng rơi xuống dưới ngưỡng nghèo cùng cực trong giai đoạn 2020-2021.