Theo ghi nhận của PV, hạ lưu kênh Hy Vọng đoạn giáp với đường Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình (TP.HCM) ngập kín rác. Rác thải chủ yếu là vật dụng sinh hoạt, xác động vật, các chai thủy tinh, thậm chí cả các loại vật liệu xây dựng.
Rác ngập kín khu vực hạ lưu kênh Hy Vọng |
Trong khi đó, ở khu vực thượng nguồn dòng kênh, đoạn nối từ phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất qua cầu Cống Lỡ, nhiều đoạn có dòng nước đen kịt, chỗ màu hồng và bốc mùi nồng nặc.
Lý giải về tình trạng ô nhiễm này, bà Trần Thị Chón (60 tuổi, người dân địa phương) cho biết, khoảng 6 tháng nay, khi cơ quan chức năng đập bỏ cầu Hy Vọng, trên đường Phan Văn Hớn và lắp cống hộp với thiết kế nhỏ hơn đã khiến dòng thoát nước bị ảnh hưởng.
Cống hộp với thiết kế nhỏ hạ lưu kênh Hy Vọng đã khiến rác ứ đọng lại |
Đã 6 tháng nay, rác không được vớt đã dồn ứ thành từng mảng, kín cả dòng kênh |
“Khu vực thượng nguồn dòng kênh tập trung nhiều công ty, chợ và khu dân cư xả thải rác với khối lượng lớn. Do đó, khi lượng rác này đổ về khu vực cầu Hy Vọng bị dồn ứ lại gây nên tình trạng ô nhiêm trầm trọng”- bà Chón nói.
Cũng theo người dân này, rác ngập kín kênh hơn 6 tháng nay nhưng không thấy nhân viên vệ sinh môi trường đến khơi thông.
Khu vực thượng nguồn kênh Hy Vọng nước chuyển màu, ô nhiễm trầm trọng |
Theo tìm hiểu của PV, kênh Hy Vọng có tổng chiều dài gần 1,9 km là một trong ba kênh gồm kênh A41, kênh Nhật Bản thuộc hệ thống thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng như hàng ngàn hộ dân lân cận.
Năm 2012, dự án cải tạo kênh Hy Vọng được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đến năm 2013, nhận thấy sự cấp bách của việc cải tạo kênh cũng như giải thoát cho sân bay Tân Sơn Nhất khỏi cảnh ngập nước, UBND TP.HCM ra chỉ đạo phải thực hiện cấp bách dự án này. Nhưng phải đến năm 2016, thiết kế cơ sở của dự án mới được UBND TP.HCM phê duyệt.
Người dân phải sống chung với cảnh ô nhiễm rác thải và nguồn nước |
Mỗi lần đi qua dòng kênh Hy Vọng, người dân phải bịt kín khẩu trang vì mùi hôi thối nồng nặc |
Tưởng chừng dự án sẽ được khởi công đúng như kế hoạch thì tháng 6/2017 Ngân hàng thế giới (WB) và UBND TP.HCM đã thống nhất dừng gói tài trợ 400 triệu USD cho một số dự án chống ngập, cải thiện môi trường trên địa bàn.
Hệ quả là một số dự án đang triển khai giữa chừng bị ngừng thi công, nhiều dự án khác bị chậm tiến độ do một số khác biệt trong vấn đề giải quyết đền bù, giải tỏa.
Tuy nhiên, mới đây Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP HCM cho biết, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự tính cho thành phố vay 8.000 tỷ để làm nhiều công trình chống ngập, xử lý nước thải đang "chết đứng" do WB cắt tài trợ trong đó có dự án cải tạo kênh Hy Vọng giúp thoát nước hướng bắc cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo Vietnamnet