Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ quý IV của Bộ Tư pháp và gặp mặt nhà báo, phóng viên, các cơ quan báo chí nhân dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn diễn ra chiều 30/1, tại Hà Nội.
Theo báo cáo, kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với năm 2022, trong đó, một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật.
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật luôn được Bộ, ngành Tư pháp coi trọng, xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, ưu tiên nguồn lực để tham mưu, thể chế hóa những quan điểm, đường lối của Đảng, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Năm 2023, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 10 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Đặc biệt, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai Nghị quyết số 126 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Chất lượng công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được nâng cao. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tư pháp và nhiều bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, trong năm, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101 của Quốc hội; rà soát các quy định pháp luật để phục vụ triển khai Đề án phát triển và ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.
Công tác truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được tăng cường, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều mô hình hay, hiệu quả....
Quý I/2024, Bộ Tư pháp sẽ tập trung triển khai 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời các ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; các Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp.
Bên cạnh đó, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao; thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế...
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó có giải pháp truyền thông chính sách.
Thứ trưởng mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong năm qua, có nhiều cách làm mới, sáng tạo trong truyền thông chính sách để tạo chiều sâu, hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Về phía mình, Bộ Tư pháp sẽ kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu những dự án, dự thảo do Bộ Tư pháp chủ trì, được người dân, xã hội quan tâm; cung cấp thông tin về quá trình soạn thảo, thẩm định các dự án, dự thảo luật để báo chí nắm được đầy đủ và đưa tin kịp thời.