Ngày 28/12, TAND tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là gia đình ông Nguyễn Văn Thông (đã qua đời), nhân viên Công ty Lixil và khu du lịch nghỉ dưỡng Seahorse thuộc Công ty TNHH du lịch Thiên Phú. Trước đó, ngày 23/9/2020, TAND TP.Phan Thiết đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện trên.
Theo nội dung bản án sơ thẩm, HĐXX nhận thấy, ngày 03/7/2019, Công ty Vietravel ký hợp đồng cung cấp dịch vụ du lịch cho Công ty TNHH Lixil Việt Nam tổ chức cho các nhân viên của công ty đi nghỉ dưỡng tại khu du lịch nghỉ dưỡng Seahorse thuộc Công ty TNHH du lịch Thiên Phú (phường Hàn Tiến, TP.Phan Thiết) từ ngày 13/7/2019 đến ngày 15/7/2019.
Khu nghỉ dưỡng rút kinh nghiệm trong công tác cứu hộ
Ông Nguyễn Văn Thông là nhân viên của Công ty Lixil đi cùng với gia đình trong chuyến đi này. Đến khoảng 16h30 ngày 14/7/2019, ông Thông cùng gia đình tắm biển với đoàn của mình thì bị đuối nước. Tại trích lục khai chứng tử số 77/2019/TLKT ngày 15/7/2019 của UBND phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xác định ông Thông chết vì đuối nước.
Gia đình ông Thông đã khởi kiện yêu cầu bị đơn là Công ty Thiên Phú phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với lý do tắc trách, thiếu trách nhiệm. HĐXX cấp tòa sơ thẩm cho rằng, về nguyên tắc chung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố: “Phải có thiệt hại xảy ra, phải có hành vi trái pháp luật, phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật và có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại”.
Việc ông Thông chết do đuối nước có phải do lỗi và hành vi trái pháp luật của công ty Thiên Phú không? Gia đình nạn nhân cho rằng, tại thời điểm nạn nhân tắm biển trước khu nghỉ dưỡng Seahorse không có treo cờ cảnh báo nguy hiểm, không có lực lượng cứu hộ nên khi tai nạn xảy ra thì cứu hộ không kịp thời. Tuy nhiên, qua chứng cứ của bị đơn thì khu nghỉ dưỡng Seahorse có bảng nội quy an toàn khu vực biển, có lực lượng cứu hộ, có treo cờ cảnh báo về việc tắm biển.
HĐXX xét thấy việc tắm biển là hoạt động tự nhiên của con người, tuy nhiên mang lại rủi ro không mong muốn do điều kiện tự nhiên tại bãi biển. Do đó, người tắm biển cũng như tại các khu du lịch phải có sự đề phòng tai nạn đuối nước.
Diễn biến tại phiên tòa qua lời khai của những người làm chứng cũng thể hiện sự việc đuối nước diễn ra ngoài phạm vi của khu nghỉ Seahorse. Sự việc quá nhanh khiến nạn nhân và những người tắm gần đó, kể cả lực lượng cứu hộ đều không phản ứng kịp.
Khu vực xảy ra vụ việc nạn nhân bị đuối nước. |
Việc nguyên đơn cho rằng bị đơn thiếu trách nhiệm cảnh báo nguy hiểm, không cứu hộ kịp thời để yêu cầu bồi thường thiệt hại là không có cơ sở vì đây là tai nạn bất ngờ, do tự nhiên nằm ngoài ý muốn và là sự kiện bất khả kháng. Do đó, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có cơ sở để chấp nhận.
HĐXX cấp tòa sơ thẩm ghi nhận bị đơn tự nguyện hỗ trợ nguyên đơn số tiền 100 triệu đồng. Về vấn đề trách nhiệm và cách ứng xử của Công ty Thiên Phú đối với gia đình nạn nhân sau tai nạn xảy ra như nguyên đơn trình bày thì không nằm trong quan hệ pháp luật có tranh chấp nên HĐXX không xét. HĐXX xác định, bị đơn là Công ty Thiên Phú cũng nên rút kinh nghiệm trong công tác quan hệ khách hàng và công tác cứu hộ.
Vì lẽ trên, TAND TP.Phan Thiết tuyên xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của gia đình nạn nhân yêu cầu Công ty Thiên Phú bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong vụ việc đuối nước ngày 14/7/2019 tại khu nghỉ dưỡng Seahorse.
Nhiều vấn đề cần được làm rõ
Ông Nguyễn Hùng Thao, anh trai của nạn nhân Nguyễn Văn Thông cho biết, em trai ông bị tai nạn đuối nước khi đang tắm tại khu vực của khu nghỉ dưỡng Seahorse. Chưa nói tới trách nhiệm mà chỉ nói tới đạo đức trong kinh doanh thì đáng ra đơn vị quản lý khu nghỉ dưỡng phải có lời động viên, chia sẻ để gia đình nạn nhân vơi đi nỗi đau.
Nhưng không! Phía lãnh đạo khu nghỉ dưỡng cho rằng em ông Thao chết là do tắm biển phía ngoài khu nghỉ dưỡng và sau rất nhiều lần làm việc giữa các bên nhưng chủ khu nghỉ dưỡng vẫn khẳng định không có trách nhiệm trong việc này.
Sau đó, khu nghỉ dưỡng Seahourse lần lượt đưa ra các "mức giá" bồi thường là 10 triệu, 50 triệu, rồi 100 triệu đồng. Điều này khiến cho gia đình nạn nhân càng bức xúc với sự vô cảm, vô trách nhiệm của chủ khu nghỉ dưỡng Seahorse.
Hơn hết, bản án của TAND TP.Phan Thiết khiến cho gia đình nạn nhân càng thất vọng. Cụ thể, cấp tòa sơ thẩm đã mời tất cả các nhân chứng của bên nguyên đơn, bị đơn và các nhân chứng các bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan như: Công ty du lịch Vietravel, Công ty Lixil nhưng lại không căn cứ và không làm sáng tỏ các lời khai của các bên liên quan tại phiên tòa.
Người thân bên di ảnh của nạn nhân. |
Ông Thao phân tích, các nhân chứng của phía bị đơn đã đưa ra lời khai không đúng nhưng HĐXX cấp tòa sơ thẩm vẫn không xác minh. Trong phần hỏi đáp và tranh luận, nguyên đơn đưa ra những câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của khu nghỉ dưỡng Seahorse về an toàn cho tính mạng của du khách đều không trả lời được hoặc có trả lời đều không đúng sự thật khách quan của vụ việc.
Qua phần xét hỏi và tranh luận đã chứng minh được lỗi của khu nghỉ dưỡng Seahorse về việc thiếu trách nhiệm trong công tác đảm bảo các quy định về an toàn đối với du khách khi tắm biển như: Không thông báo tình hình thời tiết, phao cứu sinh, đội cứu hộ, cứu nạn tại bãi biển, đài quan sát…..
Vì những phân tích trên, ông Thao đánh giá là những nguyên nhân đã xảy ra tai nạn đáng tiếc cho nạn nhân Nguyễn Văn Thông nhưng TAND TP.Phan Thiết vẫn bác tất cả các yêu cầu của nguyên đơn.