Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và các Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước thành viên ASEAN đã tham dự phiên khai mạc. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh, trong sáu tháng qua, kể từ Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 1/2019, sự hợp tác chặt chẽ của các nước ASEAN đã mang lại những kết quả cụ thể. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Bangkok tháng Sáu vừa qua, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố tầm nhìn của các nhà lãnh đạo về sự phát triển bền vững và đề ra sự hợp tác trực tiếp mang lại lợi ích cho người dân như khai trương Kho vệ tinh tại tỉnh Chai-nat (Thái Lan), nâng cấp trung tâm y tế quân sự ASEAN và Tuyên bố Bangkok về chống lại rác thải nhựa đại dương.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới tại Nhật Bản vừa qua, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, ông đã nêu lên bốn lĩnh vực hợp tác chính là sử dụng công nghệ và đổi mới về tài chính để hỗ trợ tài chính bao trùm đối với phụ nữ, thanh niên, khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như những cộng đồng ở các vùng sâu, vùng xa; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng thành thị và nông thôn bằng cách sử dụng công nghệ và sáng tạo để thúc đẩy mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN; bảo tồn và phục hồi môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; và thúc đẩy phát triển nguồn lực con người.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha bày tỏ mong muốn tại Hội nghị này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN kiểm điểm lại những công việc đã thực hiện trong sáu tháng qua và thảo luận các biện pháp hợp tác để trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN tiếp theo vào tháng 11 năm nay.
Theo chương trình, sau lễ khai mạc, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tham dự phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp trao đổi về các vấn đề nổi lên trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, kế hoạch triển khai Tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và Tuyên bố tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN về quan hệ đối tác vì sự bền vững cũng như tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Trong ngày 31/7, các Bộ trưởng cũng sẽ dự Lễ ký văn kiện mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) cho Peru và các nước xin gia nhập khác. Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - New Zealand và tham dự nhiều hoạt động song phương, đa phương khác.
Tham dự chuỗi các hội nghị ASEAN tại Bangkok từ ngày 29/7 đến ngày 3/8 có đại diện của hơn 30 nước, bao gồm các nước ASEAN, các nước đối thoại, các nước không phải là thành viên đối thoại tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), và khách mời của chủ nhà như Na Uy, Peru, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tiếp sau AMM-52, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ tham dự các Hội nghị với các đối tác (PMC+) cùng các hội nghị khác, trong đó bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (APT), Hội nghị Bộ trưởng Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 26.
Các hội nghị liên quan trong chuỗi các hội nghị ASEAN bao gồm các hội nghị hợp tác tiểu vùng như Hội nghị Bộ trưởng Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) lần thứ 12, Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác sông Mekong - sông Hằng lần thứ 10, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong – Hàn Quốc lần thứ 9, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong – Nhật Bản lần thứ 12.