Đó là những trăn trở của ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam trong Hội thảo quốc tế: “Năng lượng sinh khối Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” vừa diễn ra sáng 17/11.
Sau 2 thập kỷ vẫn chỉ là… tiềm năng
Sinh khối là các phế phẩm từ nông nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp...), phế phẩm lâm nghiệp (lá khô, vụn gỗ…), giấy vụn, mêtan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm. Nhiên liệu sinh khối có thể ở dạng rắn, lỏng, khí… được đốt để phóng thích năng lượng. Sinh khối, đặc biệt là gỗ, than gỗ - cung cấp phần năng lượng đáng kể trên thế giới. Ít nhất một nửa dân số thế giới dựa trên nguồn năng lượng chính từ sinh khối. Con người đã sử dụng chúng để sưởi ấm và nấu ăn cách đây hàng ngàn năm.
Sinh khối cũng có thể chuyển thành dạng nhiên liệu lỏng như mêtanol, êtanol dùng trong các động cơ đốt trong; hay thành dạng khí sinh học (biogas) ứng dụng cho nhu cầu năng lượng ở quy mô gia đình.
Theo ông Nguyễn Văn Vy – Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, tiềm năng năng lượng sinh khối ở Việt Nam vô cùng phong phú và trữ lượng lớn. Cụ thể: phế thải sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất: khoảng 45%, gỗ củi: khoảng 30%, chất thải chăn nuôi (khoảng 16 -18%), rác thải và các chất thải hữu cơ khác (5-7%).
Năng lượng sinh khối không chỉ là vấn đề năng lượng mà còn là vấn đề xử lý chất thải gây ảnh hưởng đến môi trường hiện nay và trong tương lai. “Hà Nội và Hồ Chí Minh mỗi ngày thải trên 7.000 tấn rác mỗi ngày, nếu phát triển năng lượng sinh khối tại Việt Nam phát triển, vấn đề môi trường sẽ có cơ hội được giải quyết dứt điểm, góp phần vào việc phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam” – ông Phạm Trọng Thực - Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Tổng cục Năng lượng khẳng định.
Là giám đốc, chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần phát triển năng lượng Sơn Vũ – đơn vị đã có 2 nhà máy thủy điện ở Mường Hum, Lào Cai và Suối Nhạc, Hòa Bình (hiện đang tiếp tục triển khai xây dựng 2 nhà máy thủy điện ở Sông Quang và Châu Thôn ở Nghệ An), ông Nguyễn Văn Ngọc đưa quan điểm: Việt Nam bắt đầu đốt rác phát điện từ hơn 20 năm và cũng nghiên cứu suốt từ đó đến giờ. Tiềm năng có nhiều, thế mạnh lắm, nhưng sau 2 thập kỉ vẫn chỉ là nghiên cứu, chúng ta tới giờ chưa có nhà máy đốt rác phát điện đi vào hoạt động thực sự?. Ông Ngọc cũng nhấn mạnh: Nguồn năng lượng sinh khối, năng lượng tái tạo đang là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam khi mà mức tiêu thụ năng lượng năm 2013 khoảng 57 triệu tấn dầu quy đổi (Mtoe) và dự báo mức tiêu thụ năng lượng tiếp tục tăng cao, khoảng 7% mỗi năm từ 2010 đến 2020 và xấp xỉ 5% trong giai đoạn 2020-2030. Trong đó, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện năng chậm lại do ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới...
"Tăng tốc” để khai thác năng lượng sinh khối và bảo vệ môi trường
Thừa nhận thực tế khai thác năng lượng sinh khối chưa xứng với tiềm năng, ông Nguyễn Ninh Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và năng lượng tái tạo nói: Chúng ta mới chỉ quan tâm nhất là sử dụng năng lượng sinh khối cho phát điện, còn những ưu điểm và công dụng khác như chế tạo xăng sinh học, tận dụng phế thải làm biomass… vẫn chưa được nghiên cứu và áp dụng".
Chưa kể, cùng với hoàn thiện công nghệ sử dụng nhiên liệu thì phát triển công nghệ phụ trợ như tiền xử lý, đóng gói, chuyên chở… cũng là một trong những yếu tố cần phải quan tâm khi phát triển năng lượng sinh khối.
Nhu cầu về sử dụng năng lượng đã và đang gia tăng mạnh mẽ nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như các nhu cầu khác về an sinh xã hội. Khi nhu cầu về tiêu dùng năng lượng của con người là vô hạn thì các nguồn tài nguyên thiên nhiên để sản sinh ra năng lượng lại hữu hạn, khả năng tái sinh của chúng đòi hỏi thời gian rất dài, có khi lên tới hàng triệu năm. Các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam buộc phải đầu tư công sức kiếm tìm nguồn năng lượng khác có khả năng tái tạo nhanh chóng hoặc ngay lập tức như: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng nước và năng lượng sinh khối…
Kinh nghiệm cho thấy, ngành sản xuất năng lượng từ nguyên liệu sinh khối không những góp phần đảm bảo an toàn năng lượng trong nước, mà còn tạo ra các ngành chế biến mới, sản phẩm mới.
Trước đó, tháng 7/2016, tại Hà Nội, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức hội thảo APEC về việc thúc đẩy sự phát triển của năng lượng sinh khối. Đây là một trong chuỗi những sự kiện quan trọng của APEC nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối nói riêng. Năng lượng sinh khối, đang và sẽ giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên thế giới và tại các nền kinh tế khu vực APEC.
Tại Việt Nam, năng lượng sinh khối, năng lượng tái tạo vẫn còn là lĩnh vực tương đối mới mẻ, chưa phát triển và chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn trong tổng cung năng lượng của nền kinh tế. Sự thiếu thốn cơ sở hạ tầng, thiếu kiến thức chuyên môn, sự nghèo nàn về kinh nghiệm thực tế trong quá trình quản lý và vận hành bộ máy hoạt động, sự hạn chế của các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực về công nghệ và tài chính... là những nguyên nhân có thể kể ra khiến công nghệ phát triển năng lượng sinh khối bị “chậm trễ” so với mong muốn. Nếu không “tăng tốc”, Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu đặt ra là tỷ lệ điện từ năng lượng tái tạo đạt 4,5% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030 trong Quy hoạch điện VII.
Thực tế, mạng lưới hỗ trợ phát triển năng lượng xanh (VGEN) đã được thành lập – một mạng lưới thu hút sự tham gia của đại diện các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, cán bộ các cơ quan nhà nước… Nhưng dường như chưa đủ!
Đại diện Trung tâm Hỗ trợ phát triển năng lượng Việt Nam đưa quan điểm: Ngày 20/9/2016, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tổng kết 1 năm thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, một trong những thành công là đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian nhưng trong những thứ bị rút đi lại có một thứ đặc biệt quan trọng, đó là môi trường… Nhìn ra các nước xung quanh, Campuchia đang soạn luật về đánh giá tác động môi trường và có một điều khoản bắt buộc là báo cáo phải gửi đến NGOs lấy ý kiến trước khi phê duyệt. Trung Quốc – một quốc gia nổi tiếng ô nhiễm, từ 2014 cũng quy định bắt buộc cơ quan môi trường phải công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường và những cơ quan nào không làm được sẽ bị các NGOs đưa ra tòa… 100% vụ việc là NGOs thắng kiện…
Việt Nam muốn phát triển năng lượng sinh khối cần phải có những chính sách, quy định cụ thể để giữ gìn môi trường, cần phải có những văn bản quy phạm pháp luật ở mức cao (luật, nghị định) để khuyến khích nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, phải đưa ra những chiến lược, quy hoạch cụ thể, ngắn hạn và dài hạn để phát triển nguồn năng lượng này ở cấp quốc gia...
Cẩm nang Năng lượng xanh Việt Nam
Để có cái nhìn toàn diện về năng lượng sinh khối hiện nay, Trung tâm Hỗ trợPphát triển năng lượng Việt Nam – cơ quan chuyên trách về năng lượng tái tạo của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã biên soạn và xuất bản cuốn sách Cẩm nang Năng lượng xanh Việt Nam.
Ngay từ lần đầu ra mắt với chủ đề BIOMASS – Develop & Go green, cuốn sách đã thu hút được hơn 40 chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân đến từ 30 đơn vị tập thể các đơn vị quản lý, các đơn vị nghiên cứu, các đơn vị doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng sinh khối quan tâm, đóng góp bài vở.
Đây là cuốn sách cập nhật thông tin đáng tin cậy về kiến thức cơ bản, công nghệ, đối tác… trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cho các nhà đầu tư, là nguồn thông tin đầy đủ, cập nhật có giá trị khảo cứu với các nhà nghiên cứu. Với các nhà hoạch định chính sách, cuốn sách tập hợp các hướng nghiên cứu tiêu biểu, các ứng dụng khả thi đang được quan tâm hỗ trợ.