Đề nghị cách chức ông Võ Kim Cự
Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương (Đảng ủy Khối) vừa tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ phiên thường kỳ tháng 3/2017. Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đảng đối với ông Võ Kim Cự, Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh theo quy định của Đảng.
Đảng ủy Khối cũng đã tiến hành bỏ phiếu và kết quả là, có nhiều phiếu đề nghị kỷ luật cách chức ông Võ Kim Cự do có liên quan đến vụ Formosa gây ra sự cố môi trường biển làm cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. Ngoài Đảng ủy khối, ông Võ Kim Cự còn phải kiểm điểm ở các tổ chức đảng mà ông từng sinh hoạt, bao gồm cả ở Hà Tĩnh và ở Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh các nhiệm kỳ 2004-2011, 2011-2016 đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án; để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, để xảy ra các vi phạm nêu trên, trách nhiệm chính thuộc về đồng chí Võ Kim Cự trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban quản lý Khu kinh tế (2008-2010). Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh và đồng chí Võ Kim Cự là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Khi nào xem xét tư cách đại biểu Quốc hội?
Bên lề hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách ngày 4/4, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, nếu cơ quan thanh tra chỉ rõ sai phạm của ông Võ Kim Cự trong việc để xảy ra sự cố Formosa thì việc Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương bỏ phiếu đề xuất hình thức kỷ luật với ông Cự cũng là bình thường. Việc làm này trước hết để quy trách nhiệm, xử lý trách nhiệm người đã trực tiếp để xảy ra sai phạm, sự cố Formosa. Theo ông Phương, người dân sẽ rất thỏa mãn nếu xử lý những tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.
Cùng trao đổi, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, đề xuất của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương với ông Võ Kim Cự như vậy cũng là hợp với ý kiến dư luận đòi hỏi các cơ quan Đảng trong thời gian qua. Bản thân người trong cuộc cũng phải chấp nhận vấn đề này.
“Thủ tướng cũng đã nói về văn hoá từ chức. Nếu là tôi, tôi sẽ từ chức chứ không đợi đến lúc xử lý kỷ luật. Một người có khuyết điểm, nếu anh từ chức còn được ca ngợi hơn là tiếp tục”, ông Nhưỡng nêu quan điểm. Về tư cách đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự, theo ông Nhưỡng, sẽ phải xem xét theo Luật Tổ chức Quốc hội. “Lẽ ra các cơ quan không nên đưa ông Võ Kim Cự vào danh sách khi có quá nhiều bức xúc. Nếu tôi là ông Cự, tôi cũng không tham gia Quốc hội”, ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Trao đổi về việc xem xét tư cách ĐBQH đối với ông Võ Kim Cự, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, việc này vẫn phải chờ quyết định từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Sau khi có quyết định chính thức rồi, sẽ thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.
Cũng giống như một số trường hợp trước đây, khi cơ quan điều tra đã làm rồi thì bên Quốc hội sẽ thực hiện luôn. Chẳng hạn như đại biểu Châu Thị Thu Nga vừa qua, sau khi cơ quan điều tra xác định bà Nga đã phạm tội, bị khởi tố thì sẽ làm thủ tục bãi nhiệm tư cách ĐBQH.
Trong trường hợp đã tiến hành xử lý kỷ luật về Đảng, theo ông Uông Chu Lưu, đây cũng là cơ sở để xem xét giải quyết. Cũng giống như trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng, sau khi có kết luận của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết, sau đó Chính phủ thực hiện theo Nghị quyết về việc không công nhận tư cách Bộ trưởng đối với ông Vũ Huy Hoàng.
“Lẽ ra các cơ quan không nên đưa ông Võ Kim Cự vào danh sách khi có quá nhiều bức xúc. Nếu tôi là ông Cự, tôi cũng không tham gia Quốc hội”- đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.