Các nhà tâm lý học đến từ Đại học Royal Holloway London đã tiến hành những nghiên cứu để tìm cách lý giải chính xác nhất về việc tại sao con người luôn nhắm mắt khi hôn. Nghiên cứu được công bố hồi đầu tháng 3 trên tạp chí Tâm lý Thực nghiệm: Nhận thức và Hành động của Con người.
Vì sao khi hôn nhau phải nhắm mắt?
Nghiên cứu này đã bác bỏ quan niệm trước đây cho rằng mọi người nhắm mắt khi hôn nhau bởi thị giác không thể tập trung vào một thứ ở quá gần như gương mặt người đối diện.
Các chuyên gia cho biết, đây là một trong những hiện tượng tâm lý bí ẩn và thú vị nhất của con người. Họ phát hiện ra rằng, khi chúng ta hôn một ai đó, não sẽ chỉ tập trung vào việc “xử lý cảm giác”, nếu lúc hôn chúng ta mở mắt thì não bộ sẽ phải làm 2 việc cùng một lúc, đó là nhận thức xúc giác và phân tích những gì mà ta nhìn thấy.
Nghĩa là, lý do thực sự khiến con người nhắm mắt khi hôn là não bộ không thể xử lý được hai việc cùng một lúc.
Việc này cũng tương tự như khi đang tìm kiếm một gương mặt của một người bạn trong đám đông, người ta sẽ không cảm nhận được rằng điện thoại đang rung. Đây cũng là lý do dẫn tới sự ra đời của các hệ thống cảnh báo tác động vào xúc giác của các lái xe hoặc phi công.
Theo kết quả nghiên cứu, để tập trung vào chức năng cảm nhận xúc giác, con người sẽ nhắm mắt theo bản năng. Điều này cũng đúng với những tình huống liên quan tới xúc giác như đọc chữ nổi, khi khiêu vũ hoặc quan hệ tình dục.
Lý do thực sự khiến con người nhắm mắt khi hôn là não bộ không thể xử lý được hai việc cùng một lúc.
Tiến sĩ Sandra Murphy và Polly Dalton đã yêu cầu các tình nguyện viên thực hiện nhiệm vụ tìm chữ cái ở các mức độ khó, dễ khác nhau, đồng thời phản ứng trước sự xuất hiện hay biến mất của rung động ngắn truyền đến tay trái hoặc tay phải.
Họ phát hiện ra rằng độ nhạy cảm với kích thích xúc giác giảm đi khi tình nguyện viên thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm khó hơn.
Tiến sĩ Sandra Murphy cho biết: “Chúng ta biết rằng độ khó của một nhiệm vụ thị giác có thể làm giảm sự chú ý đến kích thích thị giác và thính giác. Nghiên cứu của chúng tôi mở rộng tới xúc giác. Điều này đặc biệt quan trọng khi chúng ta ngày càng sử dụng nhiều thông tin xúc giác trong các hệ thống cảnh báo.
Ví dụ, một số chiếc xe đưa ra cảnh báo xúc giác khi bắt đầu chuyển làn. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy lái xe thường ít chú ý đến những cảnh báo này khi đang tập trung vào nhiệm vụ thị giác khó như tìm đường giữa phố xá đông đúc”.
Danh Tuyên