Cắm cái đòn càn nặng trịch xuống cạnh đống rạ, bố lấy tay vuốt mồ hôi trên vành cổ rám nắng.
- Tình, múc bố gáo nước.
Trời mùa đông, gió bấc hôm qua mới về. Tàu lá chuối hột đầu ngõ tướp ra sau một đêm gió lạnh kèm sương muối. Mới sáu giờ sáng, bố đã bán xong gánh rạ trở về.
“Hôm nay may, vừa đến ngã ba Vân Tràng đã có bà hỏi mua, đỡ phải gánh vào chợ” - Bố nói bâng quơ.
Từ nhà tôi đến chợ Chùa là hơn sáu cây số, ngã ba Vân Tràng cách chợ non cây... May, bởi gánh rạ của bố chưa khi nào là gánh rạ thường.
Bây giờ sau khi đã đi đây đó nửa cuộc đời, nhìn rất nhiều những thứ lùm lùm, nhưng tôi vẫn chưa thấy cái gì to bằng gánh rạ bố bó lúc đêm đông.
Ngày đó sau mỗi vụ gặt, khi thóc lúa đã đóng hết vào bao dọc xanh để hợp tác đến chở đi là lúc chúng tôi xe rạ đã nỏ ngoài đồng về vườn nhà đánh đống.
Rạ được chất gọn gàng làm chất đốt cho đến vụ sau, và cũng là món hàng dự phòng khi trong cót thóc không còn một đấu. Những ngày cả nước tùng tiệm đó, khi người dân trên tỉnh đun nấu bằng than bánh, hoặc hoằn họa tý bếp dầu... thì dân quê chỉ có bếp rạ. Và tất nhiên, không phải nhà nào cũng có rạ mà đun.
Nhưng rạ rẻ rề. Gánh rạ thần sầu của bố tôi chỉ là vì to cho dễ bán, chứ giá cũng ít khi hơn những gánh rạ thường. Hai núi rạ, sáu cây số đường đồng ngậm cỏ xước và sương muối, bước thấp bước cao nhiều khi để đổi về ba lạng thịt và năm bìa đậu phụ cho đám chiêm chiếp ăn không bao giờ biết mùi vị của no.
Bố mẹ tôi mất khi rạ rơm đã không còn là hàng hóa đổi rau, mua đậu nữa, nhưng cũng chưa đến đận trở thành những vạt khói bốc lên từ khắp phía cánh đồng.
Câu chuyện về đốt rơm rạ mỗi đận mùa xong có lẽ cũng được nói lại nói đi vài chục năm nay. Mỗi năm cứ sau vụ gặt là khói lại bủa vây khắp làng trên phố dưới. Và năm nay, với sự phổ biến của Smartphone và các loại phần mềm đo chỉ số, khói trở thành PM 2.5, khói bay trong vô vàn nỗi thống thiết của người dân đô thị...
Mức độ nghiêm trọng của ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã được các nhà khoa học cảnh báo từ rất lâu rồi. Hồi còn làm việc trong lĩnh vực truyền thông về môi trường, khi chúng tôi đề cập đến bụi mịn đô thị và tính chất độc hại đối với sức khỏe của con người đã có nhiều sự ngăn cản e dè.
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có lẽ sẽ không thể nào trở lại thang màu xanh trong phổ màu về ô nhiễm không khí được nữa, nhưng màu tím ghê gớm hiện tại có thể nhạt đi sau khi đám rơm rạ ngoại thành được đốt xong.
Năm nay sẽ thế.
Và sang năm rồi cũng vậy.
Ở nông thôn bây giờ bếp gas đã thay thế hầu hết các bếp rạ cổ truyền. Phụ phẩm nông nghiệp không mang lại giá trị so với công sức phơi phóng và vận chuyển. Tất nhiên giải pháp sẽ là đốt tại đồng.
Những vạt khói sẽ bay vào mắt. Bay đầu tiên vào mắt người nông dân.
Rồi bốc lên phủ trùm PM2.5 đô thị.
Tuy nhiên, nếu đã không còn nghi ngờ gì về việc đốt rơm rạ vừa lãng phí vừa ô nhiễm, sao không thể trích một phần tiền để mua lại rơm rạ của nhà nông.
Mua để ít nhất bà con không đốt nữa. Sau đó làm gì thì có lẽ quá nhiều ứng dụng không cần phải là người có chuyên môn mới có thể trả lời.