PGS.TS.Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT) Bộ Y tế cho biết đến nay, 100% bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, trong đó có 10 bệnh viện và 2 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.
Với việc Bộ Y tế ban hành Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 về quy định hồ sơ bệnh án điện tử và Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 ban hành bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế là bộ đầu tiên ban hành văn bản chuyển đổi số rất cụ thể tại một đơn vị, triển khai ứng dụng hồ sơ bệnh án điện tử, các bệnh viện hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý, cơ sở kỹ thuật để không dùng bệnh án giấy.
Theo PGS.TS. Trần Quý Tường, việc triển khai bệnh án điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân trong khám, chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế. Việc hướng đến xây dựng hệ thống mã số định danh cho bệnh nhân sẽ giúp người dân KCB tại tất cả các cơ sở y tế, mà không cần phải đem theo hồ sơ, giấy tờ liên quan.
“Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không gặp khó khi... đọc chữ viết của bác sĩ. Người bệnh cũng hoàn toàn dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ…”, PGS.TS. Trần Quý Tường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Trần Quý Tường cũng cho rằng vẫn còn một số khó khăn khi triển khai bệnh án điện tử như lãnh đạo các bệnh viện chưa quyết liệt, tâm lý chờ cơ quan quản lý cấp trên thúc đẩy; chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng, kinh phí hoạt động dành cho CNTT của phần lớn các bệnh viện còn eo hẹp.
Ngoài ra, bệnh án điện tử còn quản lý thông tin sức khỏe của người bệnh một cách liên tục, suốt đời, giúp người dân chủ động hơn trong phòng bệnh và chữa bệnh. Đồng thời, cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời giữa các cơ sở KCB, giúp tiết kiệm chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy.Ngoài ra, khi thông tin về KCB của người bệnh được minh bạch sẽ giúp việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có. Theo Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử trên cả nước gồm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 2019-2023, các cơ sở KCB hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống CNTT tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định tại Thông tư này.
Giai đoạn 2024-2028, tất cả các cơ sở KCB trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp cơ sở KCB chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử thì phải có văn bản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên nhưng phải hoàn thành triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử trước ngày 31/12/2030.
Trước mắt, ông Trần Quý Tường cho biết đối với các bệnh viện chưa có kế hoạch hoặc chưa triển khai bệnh án điện tử theo lộ trình của giai đoạn 2019-2023, Cục CNTT sẽ đề xuất Bộ Y tế đưa việc ban hành kế hoạch đã được phê duyệt và triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế này vào tiêu chí khen thưởng hẳng năm đối với bệnh viện và lãnh đạo bệnh viện.
Việc triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa ngành y tế, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…