Tấm lòng hiếu thảo với ba
Ba của anh Hóa là ông Lê Văn Hiếu bị tai nạn phải nằm một chỗ từ khi anh còn nhỏ. Bị liệt từ cổ trở xuống, cuộc sống của ông gắn liền với chiếc giường và căn phòng nhỏ, mọi nhu cầu sinh hoạt đều phụ thuộc vào những thành viên khác trong gia đình.
Thương ba, từ năm học cấp 2, Lê Văn Hóa đã đọc sách, tìm tòi, lên ý tưởng lắp hệ thống ròng rọc được kết nối với những thanh sắt ngang trên trần nhà, thông qua dây đeo hỗ trợ ba tự ngồi dậy cũng như giúp Hóa và người nhà di chuyển ông Hiếu đỡ tốn sức hơn. Hệ thống ròng rọc được lắp đã qua nhiều lần cải tiến và dần hoàn thiện theo thời gian với công tắc tự động dễ điều khiển.
Muốn những người bị liệt như ba mình có thể di chuyển trên xe lăn điện, Hóa cải tiến chiếc xe lăn cũ của người họ hàng cho, lắp mô tơ, hệ thống điện, bình ắc quy. Chiếc xe lăn chạy bằng điện đầu tiên đã mang lại niềm vui mới cho cuộc sống của ông Hiếu khi ông có thể tự điều khiển để đi lại trong xóm, làng sau nhiều năm nằm một chỗ. Ông Lê Văn Hiếu chia sẻ, Hóa rất thương ba.
Từ ngày còn nhỏ Hóa đã nói về ước mơ có thể sáng chế chiếc xe lăn điện cho ba. Những đêm trắng thức đọc sách hay mày mò bên đống vật liệu sắt thép với sự kiên trì không ngừng nghỉ cuối cùng cháu đã làm được điều đó. Đến bây giờ Hóa không chỉ giúp ba mà còn giúp rất nhiều người khuyết tật khác.
Năm 2012, Hóa đoạt giải Nhất Hội thi sáng tạo khoa học và kỹ thuật quốc tế Intel Isef của tỉnh Quảng Trị với đề tài “Thiết kế xe lăn chạy bằng ắc quy dùng cho người khuyết tật không dùng tay”; đồng thời nhận được Bằng khen của Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) khi đoạt giải Ba Hội thi Khoa học - Kỹ thuật Học sinh trung học VISEF năm 2012.
Với quyết tâm cháy bỏng, năm 2013, Hóa thi đỗ ngành cơ khí của Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Vừa học vừa làm thêm bằng cách nhận sửa chữa máy móc, đến năm 2016, sau khi ra trường Hóa về quê khởi nghiệp với mô hình bán và sửa chữa xe lăn, mở máy phay tiện, cơ khí.
Khởi nghiệp thành công từ uy tín và thương hiệu riêng
Do nguồn vốn có hạn nên ban đầu Hóa chủ yếu nhận sửa chữa xe. Đến khi có thêm vốn, anh bắt đầu sản xuất và bán xe lăn cải tiến cho người khuyết tật ở trong vùng. Mỗi chiếc xe lăn bằng điện được đặt theo yêu cầu riêng của người sử dụng tùy theo thể trạng, sức khỏe và chức năng cần có.
Trên xe có các chức năng hỗ trợ người dùng như: ngồi, đứng, nằm, vệ sinh, hệ thống mái che… Với mong muốn chiếc xe sẽ mang đến niềm vui, hạnh phúc cho những người khuyết tật nên giá xe được anh Hóa bán rất thấp. Tiếng lành đồn xa, được sự tin tưởng, yêu quý của người dùng nên ngày càng có nhiều đơn đặt hàng.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi năm 2017 Hóa tham dự chương trình “Thương vụ bạc tỉ”. Hóa đã thuyết phục được các nhà đầu tư lớn với số tiền “tiếp sức” 200 triệu đồng rồi mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng sản xuất và kinh doanh thêm các loại xe khác như xe đạp điện, xe máy điện.
Cửa hàng của Hóa trở thành địa chỉ tin cậy để người dân trong vùng mua xe máy điện, sửa chữa máy móc cũng như đặt hàng các loại xe lăn 3 bánh hoặc 4 bánh với mức giá phải chăng từ 4-12 triệu đồng. Các đơn đặt hàng từ các tỉnh, thành khác cũng ngày càng nhiều hơn.
Ông Nguyễn Văn Thưởng (65 tuổi), thôn Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung bị thoát vị đĩa đệm, sau khi mổ xong sức khoẻ ngày càng yếu. Biết Hóa có thể sản xuất xe lăn theo yêu cầu, ông đã đặt hàng. Đến nay, qua quá trình sử dụng xe rất thuận tiện, mỗi lần hư hỏng Hóa đều nhiệt tình hỗ trợ sửa chữa tận nơi.
Năm 2023, Hóa mở chi nhánh thứ hai tại thị trấn Hòa Bình, huyện Xuân Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến nay, cơ sở sản xuất của Hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi trừ chi phí lợi nhuận trên 360 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương từ 5 - 10 triệu/ tháng.
Chị Trương Thị Thanh Nhàn, Phó Bí thư Huyện đoàn Triệu Phong cho biết mô hình khởi nghiệp từ sản xuất, sửa chữa xe lăn, buôn bán xe máy và xe đạp điện của Hóa có ý nghĩa xã hội cũng như hiệu quả kinh tế cao.
Xuất phát từ tình yêu dành cho ba Hóa đã chế tạo xe lăn đa chức năng giúp người khuyết tật có thể di chuyển được. Hóa cũng giúp nhiều thanh niên trên địa bàn học nghề cũng như tạo việc làm ổn định. Đây không chỉ là mô hình tiêu biểu của huyện mà còn là tấm gương sáng để các đoàn viên, thanh niên khác noi theo.