Thực tế diễn ra trên thế giới cho thấy các nước nghèo vẫn nghèo, dân chúng vẫn lầm than, nhiều nước rất giàu tài nguyên nhưng vẫn kiệt quệ bởi vì quốc gia đó không quan tâm đến vốn xã hội hoặc bởi nơi đó vốn xã hội èo uột.
Vốn xã hội đã gắn vào dòng lịch sử đất nước và con người Việt từ thuở hồng hoang. Ký ức và tuổi thơ của người Việt được nuôi dưỡng với nhiều câu chuyện dân gian, như chuyện Thằng Bờm. Không ai biết tác giả câu chuyện này là ai và nó cứ lan truyền một cách tự nhiên từ đời này qua đời khác. Giá trị của “có” (thằng Bờm) và “đổi” (phú ông) trong câu chuyện này căn cứ trên nguồn “vốn” thì mờ nhạt mà đậm nét nhất chính là cuộc trao đổi nặng tính chất tâm lý và xã hội giữa hai nhân vật có quan hệ mua bán và trao đổi là Phú Ông và Thằng Bờm. Cái quạt mo chỉ là biểu tượng của vật chất. Câu chuyện truyền thuyết về thằng Bờm là minh chứng cho thấy tinh thần khởi nghiệp đã có trong máu người Việt từ thửa xa xưa đó.
Sự khởi nghiệp đó có thể là thực hiện một ý tưởng sáng tạo về kinh doanh hay công nghệ, có thể là một ý tưởng giải quyết một bài toán xã hội... (Ảnh minh họa) |
Để phát triển quốc gia cần có thêm nguồn vốn xã hội và khởi nghiệp là một trong các cách thức huy động nguồn vốn xã hội một cách chủ động và tự nguyện. Và cũng chính vì vậy, chưa bao giờ khởi nghiệp được sự quan tâm của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị như hiện nay. Đảng và Nhà nước xác định ba đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Chương trình khởi nghiệp vừa là mục tiêu đột phá, vừa là phương thức, phương tiện thực hiện ba đột phá chiến lược nêu trên.
Khởi nghiệp được hiểu đúng bản chất, không chỉ là thiết lập các mô hình, ý tưởng sản xuất kinh doanh, đó có thể là khởi sự hành động trong các lĩnh vực khác nhau, hướng tới phục vụ cộng đồng, xã hội, giải quyết bài toán về con người và sự phát triển bền vững. Do vậy, giá trị của khởi nghiệp không chỉ là thành công tài chính của dự án kinh doanh mà còn là giá trị về đóng góp xã hội, về tính nhân bản, đem lại sự khác biệt và được xã hội tôn trọng.
Xu thế hiện nay ngày càng nhiều bạn trẻ đến từ nông thôn, thành thị, muốn bước chân trên con đường khởi nghiệp, muốn xông pha tham gia các hoạt động xã hội, phong trào tình nguyện. Sự khởi nghiệp đó có thể là thực hiện một ý tưởng sáng tạo về kinh doanh hay công nghệ, có thể là một ý tưởng giải quyết một bài toán xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ nông nghiệp đến dịch vụ, xóa đói giảm nghèo, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế…
Tổng quan năm 2016 phong trào khởi nghiệp đang lên rất mạnh, tiến triển đúng lộ trình. Mọi người ngày càng hiểu hơn và có cái nhìn rất tích cực về khởi nghiệp. Khởi nghiệp nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Một điểm dễ nhận ra là vai trò của sự chủ động của doanh nghiệp khi tạo ra ý tưởng đột phá - khởi nghiệp, tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp để phát triển, đồng thời luôn phải tự thay đổi để vận động theo những biến động của xã hội.
Các đặc điểm nhận ra của năm 2016 là sự nở rộ hơn về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, đa dạng hơn về lĩnh vực như fintech, nông nghiệp, thực phẩm… nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường hơn, và vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy khởi nghiệp rất mạnh mẽ.
Cao hơn một nấc của khởi nghiệp, đó là startup. Khái niệm startup được hàm ý gắn với công nghệ. Các mô hình startup thành công trong năm 2016 như DesignBold, Ticketbox, Monkey Junior, Money love, Up Co-working space, Gotit… làm cho thị trường này trở nên sôi động và hấp dẫn khi những người chơi đều là những con người có trí tuệ và rất sáng tạo.
Chính vì được Chính phủ kích ứng mạnh bằng nhiều nỗ lực cụ thể, nên nhiều startup có cơ hội cọ xát dẫn đến nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn. Nếu như năm 2015 các nhà đầu tư thiên thần còn âm thầm và lặng lẽ thì sang năm 2016 họ bước vào cuộc chơi với tâm thế chủ động. Không những vậy, họ tập trung lại với nhau gắn kết hơn tạo sự lan tỏa hơn, đồng thời, profile của startup Việt Nam cũng được cải thiện tốt dần lên trong khu vực nên thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.
Hiện tại, hơn 500.000 DN tư nhân đang đóng góp hơn 30% ngân sách và 40% GDP của cả nước. Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân cũng đang tạo ra khoảng 90% số việc làm cho toàn xã hội. Việt Nam đã có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiện tại đã có hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Cả nước có khoảng 21 vườn ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh cho startup.
Sau hai thế hệ startup với những bước đầu thành công, Việt Nam đang có thế hệ startup thứ ba trẻ trung và sôi nổi hơn. Ngoài lợi thế về sự bùng nổ công nghệ, thị trường mở rộng, tư duy quản lý thông thoáng hơn, thế hệ startup này còn có lợi thế về thị trường khi Việt Nam hội nhập không ngừng nghỉ.
Quay trở lại chất lượng khi khởi nghiệp, đây được coi là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo. Mới đây, Chính phủ đã đưa ra 5 điều kiện khởi nghiệp bên trong từ tầm vĩ mô. Từ góc độ quan sát biến động của thị trường và định hướng đến chất lượng dự án khởi nghiệp, bên cạnh nỗ lực cải thiện môi trường hành chính bằng cách loại bỏ rừng giấy phép, đảm bảo sở hữu trí tuệ, tăng cường chất lượng đào tạo và liên kết quốc tế thì việc cần làm ngay là cải thiện cơ chế khuyến khích đầu tư. Ở đây cần nghiên cứu thêm hai khía cạnh.
Thứ nhất là nghiên cứu ưu đãi thuế cho nhà đầu tư thiên thần (angel investor) chứ không chỉ cho startup, vấn đề về tax incentive cho startup phức tạp hơn, ví dụ startup không cần ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) mà cần ưu đãi thuế giá trị gia tăng (VAT). Nhà đầu tư thì cần sự minh bạch trong chính sách thuế mà hiện có một số chính sách chồng chéo nhau.
Thứ hai là cần phải làm cho thủ tục phá sản doanh nghiệp trở nên rất nhanh, mà hiện thủ tục này đang rất phức tạp. Doanh nghiệp không thể tái sinh nếu như không được chết đi đúng nghĩa. Trung bình mỗi ngày khoảng 200 doanh nghiệp ngừng hoạt động và chỉ có khoảng 528.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên tổng số đăng ký hoạt động là hơn 900.000 doanh nghiệp cho thấy việc phá sản doanh nghiệp còn vướng nhiều trở ngại.
Nhiều quan điểm cho rằng cần nâng tầm phong trào khởi nghiệp thành một cuộc cách mạng. Quan điểm này dựa trên số liệu thực tế khi tính ra trung bình, cứ chưa đầy 5 phút, ở Việt Nam lại có thêm một doanh nghiệp mới ra đời. Với đà này, năm 2016 đi vào lịch sử kinh tế Việt Nam là năm đầu tiên số lượng doanh nghiệp thành lập mới có thể vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp.
Tuy nhiên như vậy có lạc quan quá không khi phát triển kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển nhanh và bền vững. Để không biến thành phong trào, bản thân những người tham gia phải được đào tạo, cung cấp kiến thức và có kỹ năng để làm cho đúng. Còn những người không được đào tạo thì không nên tham gia theo người khác.
Đương nhiên trong quá trình mở rộng thì không thể tránh khỏi một số lượng lớn bị chạy theo "phong trào". Nhìn ở góc cạnh khác thì thời gian này như giai đoạn quá độ, để thanh lọc được “tinh chất” thì vẫn cần yếu tố phong trào thử thách người chơi. Giá trị của phong trào góp phần lớn nhất về thay đổi nhận thức và tạo động lực cho người chơi tham gia.Tuy nhiên, gốc là chất lượng, cần quan tâm đến dự án khởi nghiệp có chất lượng và cần chú ý mục tiêu phải là tạo ra những start-up chất lượng có đẳng cấp quốc tế chứ không chỉ ở mục tiêu tạo ra triệu doanh nghiệp.
Khởi nghiệp được coi là mệnh lệnh của mỗi cuộc cách mạng công nghiệp khi nhìn từ lăng kính diễn biến của các cuộc cách mạng công nghiệp. Sau mỗi lần cách mạng công nghiệp diễn ra đều tạo ra thế hệ doanh nhân và doanh nghiệp mới, đồng nghĩa với những thế hệ khởi nghiệp hoàn toàn mới. Khi các mô hình kinh doanh cũ bị phủ nhận và được thay thế liên tục bởi những phương thức kinh doanh hoàn toàn mới.