Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, quý III/2020, dịch COVID-19 bùng phát lần 2 tại một số địa phương đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội cả nước, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng thay đổi phương thức, thủ đoạn, mặt hàng trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực.
Trong quý III/2020, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 63.110 vụ việc vi phạm (giảm 1% so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp NSNN 4.386 tỷ 947 triệu đồng (giảm 30 % so với cùng kỳ), khởi tố 369 vụ (tăng 14 % so với cùng kỳ), 454 đối tượng (tăng 25% so với cùng kỳ).
Lũy kế chín tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 138.374 vụ việc vi phạm (giảm 7,5 % so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp NSNN 15.678 tỷ 655 triệu đồng (tăng 26,5 % so với cùng kỳ), khởi tố 1.497 vụ (giảm 8,44 % so với cùng kỳ), 1.800 đối tượng (giảm 6 % so với cùng kỳ).
Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo 389 quốc gia, đã tập trung lực lượng, tăng cường biện pháp nghiệp vụ theo lĩnh vực, địa bàn được phân công, đã chủ động xây dựng và triển khai các Kế hoạch chuyên đề trọng điểm: triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; góp phần phát triển kinh tế, bình ổn thị trường, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng mua bán ma túy; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng đã qua sử dụng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ “made in Việt Nam”. Ngoài một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, hạn chế, khó khăn điều kiện phương tiện thì nguyên nhân quan trọng vẫn là vai trò chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, địa phương chưa thường xuyên, chưa quyết liệt.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia. |
Một số đơn vị chưa làm tốt công tác chính trị tư tưởng, thiếu kiểm tra giám sát, để cán bộ, chiến sỹ tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và bị xử lý, kỷ luật. Một số đơn vị chức năng chưa làm tốt công tác nắm tình hình, chưa chủ động trong công tác đấu tranh, còn để xảy ra một số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tại địa bàn, lĩnh vực phụ trách, gây bức xúc trong dư luận. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại một số địa phương, đơn vị chưa đạt yêu cầu.
Ông Đàm Thanh Thế cho biết thêm: Khi các hoạt động xã hội trở lại bình thường, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng trở lại, chủ yếu là hàng tiêu dùng, quần áo, đồ chơi, hàng điện tử,…Tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm là ma túy vẫn tiềm ẩn và diễn ra phức tạp, tập trung chủ yếu ở địa bàn các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên...Tình hình vận chuyển trái phép, buôn lậu khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra phức tạp.
Đặc biệt, tuyến biên giới Tây Nam tình hình buôn lậu, gian lận thương mại rất phức tạp, địa bàn trọng điểm: Tây Ninh, Đồng Tháp, Long An, An Giang, Kiên Giang, Bình Phước.
Theo đại diện Ban chỉ đạo 389, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả quý IV năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Triển khai thực hiện Kế hoạch 399/KH-BCĐ389 ngày 10/10/2020 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
Tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, hàng điện tử điện lạnh cũ, dược phẩm, thược phẩm chức năng.... đặc biệt chú ý các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch COVID-19.
Các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần nâng cao năng lực để nhận diện phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, trên cơ sở đó phát hiện đối tượng chủ mưu, cầm đầu để đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm tội phạm, không chạy theo sự vụ.
Tăng cường công tác quản lý cán bộ thực thi nhiệm vụ, siết chặt kỷ luật. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm.