Từ đầu tháng 7/2019, diễn biến dịch tả lợn đã giảm dần. Đến hết 29/7, dịch bệnh đã xảy ra tại 28.559 hộ chăn nuôi (35,4% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) trên 24 quận, huyện, thị xã, làm mắc bệnh và tiêu hủy 496.896 con (chiếm 26,5% tổng đàn) với trọng lượng 34.175 tấn. Đáng chú ý, đến nay, đã có 121 xã, phường thuộc 22 quận, huyện, thị xã dịch bệnh không phát sinh thêm sau 30 ngày.
Lý giải nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi được giảm xuống, ông Chu Phú Mỹ cho biết, các quận huyện thị xã, đặc biệt người dân đã làm tốt công tác tuyên truyền để cách ly, dập dịch. Cùng với đó, cơ chế miễn dịch của lợn đã tốt hơn sau một thời gian diễn ra dịch. “Không có chuyện do lợn chết hết rồi nên dịch giảm”, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định.
Về công tác hỗ trợ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Thành phố đã cấp hỗ trợ bổ sung cho các quận huyện thị xã để hỗ trợ người dân. Cụ thể, trước đây, mức tiền hỗ trợ cho cán bộ, nhân dân thực hiện công tác phòng chống dịch là 100.000 đồng vào ngày thường và 200.000đ vào ngày lễ; hiện đã được nâng lên gấp đôi là 200.000đ vào ngày thường và 400.000đ vào ngày lễ.
“Hiện TP có hơn 100 xã đã không phát sinh dịch. Song chủ trương của Bộ NN&PTNT là chưa tái đàn vào thời điểm này”, Giám đốc Sở NN&PTNT nói. Cùng với việc tập trung phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đảm bảo không tái phát dịch, phòng chống dịch ở gia súc gia cầm.
Thông tin về công tác phòng chống thiên tai, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai TP đã tổ chức các đoàn kiểm tra làm thủ trưởng các đơn vị. Qua kiểm tra thấy các huyện đã làm tốt công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện sẵn sàng cho công tác phòng chống thiên tai; chuẩn bị đầy đủ hàng hóa dịch vụ để phục vụ công tác cứu hộ cứu trợ cho người dân.
Về tháng 8, cao điểm trong mùa mưa bão, Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị các đơn vị tập trung vào công tác phòng chống thiên tai, rà soát lại toàn bộ các phương án hộ đê, các phương án cứu trợ, phục hồi sản xuất sau mùa mưa bão, phương án tiêu úng nhằm sẵn sàng ứng phó với mưa bão xảy ra...