Sáng 1/8, báo An Ninh Thủ Đô đưa tin, Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân N.T.M., (20 tuổi, ở Hà Nội) vào điều trị trong tình trạng toàn bộ vùng da bẹn hoại tử, trợt, loét nghiêm trọng, gây đau đớn tới mức không thể mặc quần.
Đáng chú ý, qua hỏi bệnh, các bác sĩ vô cùng ngạc nhiên khi biết lý do hết sức kỳ quái khiến anh M. bị tổn thương da nặng như vậy. Theo đó, anh M. kể anh bị nấm bẹn, vùng da rát đỏ và có nhiều mụn nước nhưng ngại tới các cơ sở y tế. Nghe theo một bài thuốc dân gian truyền tai, anh đã tìm bắt cả mớ kiến ba khoang về giã nát rồi đắp lên vùng bị nấm ở 2 bên bẹn.
Liên quan đến vấn đề này, BS Nguyễn Thị Thanh Thuỳ, Trưởng khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em thuộc Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) cho biết, bệnh viện từng tiếp nhận khá nhiều những bệnh nhân tự ý chữa bệnh theo cách ngược đời như nam thanh niên trên đây, trong khi đó nếu dùng kiến ba khoang làm bài thuốc chữa bệnh về da rất thiếu căn cứ và nguy hiểm. Trong khi đó với bệnh nấm chữa không khó, không tốn kém và lành khá nhanh nếu tuân thủ điều trị.
Theo các chuyên gia y tế, trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa pederin, có độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ… Nhưng may mắn là tuy độc tính cao, nhưng với lượng tiếp xúc nhỏ và ngoài da nên không đủ để gây chết người như nọc rắn.
Tuy nhiên, kể cả khi kiến không đốt người thì chất độc trong cơ thể kiến giải phóng ra khi bị tác động, chà xát hoặc bị giết có thể làm tổn thương da người như bỏng da, viêm da. Khi dính phải nọc độc của kiến ba khoang, nạn nhân cần nhanh chóng lấy nước rửa sạch chỗ tiếp xúc, hạn chế tổn thương lây lan. Nếu bị nhẹ có thể điều trị với các dung dịch làm dịu da, sát khuẩn bằng gel, dung dịch màu. Nếu vết thương nặng phải đến cơ sở y tế để được chăm sóc, xử lý đúng cách.