Khủng hoảng ngộ độc chì toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Làm thế nào để quét sạch tai họa giết chết và gây tàn tật hàng triệu người mỗi năm?
Khủng hoảng ngộ độc chì toàn cầu

Ở các nước phương Tây, cuộc cách mạng xe điện đang diễn ra tốt đẹp. Những người tiêu dùng quan tâm đến khí hậu lái xe Tesla hoặc Polestars vì lý do đạo đức và thời trang. Các nước nghèo hơn cũng đang trải qua làn sóng xe điện.

Ở Bangladesh, xe taxi ba bánh chạy điện, còn được gọi là xe tuk tuk hoặc xe kéo, đang nhanh chóng thay thế những chiếc xe chạy bằng xăng trên đường phố Dhaka. Những chiếc xe điện thân thiện với khí hậu, tiết kiệm chi phí và giúp giảm ô nhiễm không khí.

Tuy nhiên, những chiếc xe này sẽ tiềm ẩn một bí mật độc hại: mỗi chiếc xe tuk tuk chạy bằng 5 cục pin axit chì khổng lồ, chứa tổng cộng gần 136 kg chì. Khoảng 18 tháng trở đi, khi những cục pin đó cần được thay thế và tái chế, khoảng 27 kg chì sẽ rò rỉ ra môi trường. Việc tái chế pin, thường ở các nhà máy luyện kim không được kiểm soát quy mô nhỏ, là một hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao nhưng nguy hiểm.

Chì là một chất độc thần kinh nguy hiểm và bất kỳ hành vi tiếp xúc nào với chất này đều có hại cho sức khỏe con người. Chì xâm nhập vào môi trường gây tổn hại cho con người ở mức độ nghiêm trọng. Có vô số cách chì xâm nhập vào không khí, nước, đất và nhà ở trên khắp các nước đang phát triển, gây tổn thất to lớn đối với vật chất và tinh thần, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng môi trường lớn nhất trên thế giới nhưng lại ít được chú ý.

Các ước tính do nhiều tổ chức khác nhau công bố cho thấy chì giết chết khoảng 1,6 triệu đến 5,5 triệu người mỗi năm. Ngay cả những ước tính thận trọng nhất về số ca tử vong do phơi nhiễm chì cũng vượt quá số ca tử vong toàn cầu do bệnh lao.

Ngân hàng Thế giới ước tính rằng chì gây ra cái chết cho 5,5 triệu người mỗi năm, qua đó vượt mặt các nguyên nhân gây tử vong khác như AIDS, sốt rét, tiểu đường và tai nạn giao thông. Ngoài con số đáng kinh ngạc đó, gánh nặng xã hội của ngộ độc chì là rất lớn, cũng như góp phần gây bất bình đẳng toàn cầu.

Không giống như nhiều thách thức mà các nước đang phát triển phải đối mặt, ngộ độc chì là một vấn đề hoàn toàn có thể khắc phục được nếu được chú ý và đầu tư tài chính tương đối khiêm tốn. Giám sát, nghiên cứu và quản lý tốt hơn có thể giúp bảo vệ trẻ em trên toàn thế giới khỏi những tác động khủng khiếp của ngộ độc chì và giảm chi phí toàn cầu để khắc phục hệ quả.

Kim loại nặng

Chì được coi là chất độc thần kinh vì nó bắt chước canxi ở cấp độ tế bào, thay thế khoáng chất trong tế bào mà không thực hiện các chức năng thiết yếu của khoáng chất và do đó cản trở chức năng thần kinh bình thường.

Ảnh hưởng của việc tiếp xúc với chì là tồi tệ nhất và lâu dài nhất trong những năm hình thành sự phát triển nhận thức, cụ thể là trong tử cung và thời thơ ấu. Phơi nhiễm chì ở mức độ thấp có gây ra rối loạn hành vi. Ở mức độ phơi nhiễm cao, các triệu chứng thần kinh nghiêm trọng và đe dọa tính mạng có thể xảy ra, bao gồm tê liệt, co giật và hôn mê.

Ngoài những ảnh hưởng thần kinh nổi tiếng của chì, kim loại này có thể làm suy giảm chức năng trên toàn cơ thể, chẳng hạn như ở thận hoặc hệ thống sinh sản. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học cũng bắt đầu nhận ra những tác động mãn tính mà chì có thể gây ra đối với hệ tim mạch.

Vào tháng 6, Hiệp hội Tim mạch Mỹ đã chính thức công nhận việc tiếp xúc với chì và các kim loại nặng khác là yếu tố nguy cơ đáng kể đối với bệnh tim mạch. Một đánh giá năm 2018 do nhà dịch tễ học Rajiv Chowdhury dẫn đầu đã liên kết nồng độ chì trong máu tăng cao với nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành tăng 85% và nguy cơ đột quỵ tăng 63%.

Đối với nhiều người ở phương Tây, ngộ độc chì gợi nhớ đến thời kỳ xa xưa hơn. Bắt đầu từ những năm 1920, các công ty dầu mỏ bắt đầu thêm chì tetraethyl vào xăng để giảm tiếng ồn động cơ.

Vì vậy, khi việc sở hữu ô tô bùng nổ ở Mỹ sau Thế chiến thứ hai, lượng khí thải chì cũng tăng theo. Chì hiện diện trong các vật dụng phổ biến như sơn hoặc ống nước. Chính tại nước Mỹ, người dân dần dần bị đầu độc bởi những biểu tượng cho sự thịnh vượng của họ.

Vào giữa những năm 1960, gần như mọi trẻ em ở Mỹ đều có lượng chì trong máu cao hơn mức được coi là an toàn hiện nay. Hậu quả rất lớn nhưng cũng lan tỏa và khó quan sát trực tiếp. Người Mỹ sinh vào những năm 1960 và 1970 trung bình mất khoảng 5 điểm IQ do tiếp xúc với chì.

Năm 1970, việc sửa đổi Đạo luật Không khí Sạch đã đánh dấu sự khởi đầu cho việc chấm dứt ngộ độc chì hàng loạt ở Mỹ. Việc sửa đổi cho phép Cơ quan Bảo vệ Môi trường cấm sử dụng xăng pha chì trên tất cả các ô tô sản xuất sau năm 1975; xăng pha chì dần dần bị loại bỏ sau đó và gần như biến mất hoàn toàn khỏi thị trường vào đầu những năm 1990.

Các cơ quan quản lý đã cấm sơn có chì trong hoạt động dân dụng vào năm 1978 và cấm sử dụng chì trong hệ thống ống nước vào năm 1986. Đến những năm 1990, tỷ lệ trẻ em Mỹ có nồng độ chì trong máu tăng cao đã giảm 3/4, chỉ đạt 2 - 3% trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.

Dù vậy, ngộ độc chì vẫn tồn tại ở Mỹ. Nhưng tình trạng này đã bị biến đổi, cả về mặt thống kê và đạo đức, từ một đặc điểm bình thường của thời thơ ấu thành một đặc điểm gây tai tiếng - một đặc điểm chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em từ các gia đình có thu nhập thấp.

Lấy ví dụ, cuộc khủng hoảng chì nổ ra vào năm 2014 ở thành phố Flint (bang Michigan), khi sự sơ suất của một bộ phận quan chức đã khiến nguồn nước uống bị nhiễm chì. Khoảng 25.000 trẻ em tại Flint đã bị phơi nhiễm trong hơn một năm.

Cuộc khủng hoảng Flint đã thúc đẩy sự hồi sinh của những nỗ lực loại bỏ chì khỏi hệ thống nước của Mỹ: vào năm 2021, Quốc hội nước này đã phân bổ 15 tỷ USD trong Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng để thay thế các đường ống và đường dây dịch vụ bằng chì.

Khu vực nhiễm chì

Tuy nhiên, ở phần còn lại của thế giới, ngộ độc chì vẫn xảy ra. Phơi nhiễm với chì vẫn là tiêu chuẩn đối với trẻ em ở các nước đang phát triển.

Năm 2020, UNICEF và Pure Earth, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm ngăn chặn phơi nhiễm chì và thủy ngân, ước tính rằng 800 triệu trẻ em có nồng độ chì trong máu trên 5 microgam/dl. Dù không có mức chì an toàn, nhưng đây là ngưỡng mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị can thiệp lâm sàng.

Điều này có nghĩa là cứ ba trẻ em trên thế giới thì có một trẻ có nồng độ chì trong máu đủ cao để được coi là ngộ độc chì. Ở nhiều quốc gia, chẳng hạn như Bolivia, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ấn Độ, mức độ nhiễm chì trung bình ở trẻ em được ước tính cao hơn mức chuẩn này.

Các chính phủ trên toàn cầu đã đạt được một số tiến bộ trong việc chống lại chì. Xăng pha chì đã bị loại bỏ dần trên toàn thế giới, một trong những thắng lợi lớn nhất và ít được báo trước nhất trong lịch sử đối với sức khỏe toàn cầu.

Xăng pha chì đã bị cấm ở nhiều nước phát triển và phần lớn châu Mỹ Latinh vào giữa những năm 1990, trên phần lớn châu Á vào năm 2000 và ở hầu hết châu Phi vào giữa thập kỷ đó. Algeria là nước cuối cùng áp dụng loại bỏ xăng chì vào năm 2021.

Tuy nhiên, tình trạng phơi nhiễm chì vẫn tiếp tục kéo dài bởi vì mặc dù chì rất độc nhưng nó lại cực kỳ hữu ích. Là một kim loại nặng, chì dễ uốn và hầu như không thể phá hủy và được ứng dụng trong ống dẫn, vật dụng đánh cá, đồ trang sức và đạn dược. Chì cũng thường được sử dụng để tạo màu cho sơn, men và mỹ phẩm.

Vì nhiễm độc chì không thể nhìn thấy bằng mắt thường nên nhiều quốc gia đang phát triển và phát triển thậm chí không nhận thức được thực trạng này.

Trong khi đó, mặc dù việc tiếp xúc với chì là phổ biến nhưng vẫn không thể nói chắc chắn mỗi nguồn chì đóng góp bao nhiêu vào mức độ phơi nhiễm tổng thể. Rất có thể, nguyên nhân gây phơi nhiễm chì đối với các quốc gia, khu vực đều rất cá biệt.

Một số thủ phạm gây phơi nhiễm chì bao gồm sơn có chì, gia vị bị pha chất màu chì sáng, dụng cụ nấu ăn bằng gốm và nhôm bị nhiễm bẩn, mỹ phẩm,...

Cho đến nay, chì được ứng dụng nhiều nhất trong hoạt động sản xuất pin. Pin axit chì vẫn cung cấp năng lượng cho động cơ của ô tô chạy bằng xăng và hiện nay chúng ngày càng được sử dụng nhiều hơn cho mục đích lưu trữ năng lượng xanh. Chúng có thời hạn sử dụng hạn chế (thường từ 6 tháng đến 3 năm) nhưng có thể được tái chế hoàn toàn.

Tại Mỹ và các quốc gia giàu có khác, việc tái chế pin diễn ra an toàn trong các cơ sở công nghiệp công nghệ cao, được quản lý chặt chẽ, hầu như không gây rủi ro cho người lao động và cộng đồng.

Nhưng ở những nơi như Bangladesh, việc tái chế pin còn nguy hiểm hơn nhiều. Nó thường diễn ra tại các hố lộ thiên ở sân sau của các khu đô thị đông đúc, gây ô nhiễm đất, không khí và nước của các khu vực xung quanh. Đây là mặt tối của cuộc cách mạng điện khí hóa: do thiếu các cơ sở tái chế an toàn, sự phát triển của các phương tiện chạy bằng pin có thể sẽ làm tăng đáng kể tỷ lệ nhiễm độc chì.

Giá rẻ

Với chi phí tương đối thấp, việc loại bỏ tình trạng ngộ độc chì ở trẻ em có thể được loại bỏ vào năm 2040. Thành tích giảm nồng độ chì trong máu ở các nước phát triển là đáng khích lệ, cũng như việc bãi bỏ xăng pha chì trên toàn cầu.

Động lực hành động ngày càng tăng. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2024 ở Davos, Quản trị viên Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ Samantha Power tuyên bố rằng chính phủ nước này sẽ giúp giải quyết vấn đề nhiễm độc chì. Cơ quan này đã dành 4 triệu USD để tài trợ cho các chương trình thí điểm ở Ấn Độ và Nam Phi nhằm giải quyết vấn đề phơi nhiễm chì và sẽ tham gia Liên minh toàn cầu để loại bỏ sơn có chì, một sự hợp tác giữa Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới.

Khoản đầu tư khoảng 350 triệu USD trong vòng 7 năm từ các nhà tài trợ sẽ thúc đẩy đáng kể những nỗ lực nhằm giảm mức độ chì. Tiến trình này có thể được thực hiện tương đối rẻ vì phần lớn tình trạng phơi nhiễm chì tại các nước đang phát triể xuất phát từ ô nhiễm thực phẩm và hàng tiêu dùng, có thể được khắc phục thông qua quy định, thay vì nâng cấp cơ sở hạ tầng tốn kém.

Số tiền này sẽ hỗ trợ các chính phủ quốc gia và khu vực để đo lường và theo dõi tình trạng phơi nhiễm chì, ngăn ngừa ô nhiễm chì và trang bị cho hệ thống y tế các công cụ để ngăn ngừa, phát hiện và điều trị các ca bệnh của ngộ độc chì. Một phần nhỏ hơn sẽ giúp các chính phủ ngay lập tức đưa ra và thực thi các quy định chặt chẽ đối với ba nguồn phơi nhiễm chì chính: tái chế pin, sơn có chì và gia vị bị pha trộn.

Số tiền này cũng sẽ được chi tiêu hợp lý cho nghiên cứu nhằm lấp đầy những lỗ hổng kiến thức, chẳng hạn như xác định trẻ em nào có nguy cơ bị nhiễm độc chì cao nhất ở mỗi quốc gia.

Các chính phủ cũng cần vào cuộc một cách rốt ráo. Sơn có chì vẫn hợp pháp ở 70 quốc gia Nhưng ngay cả khi mặt hàng này được quản lý, việc sử dụng sơn chì vẫn phổ biến. Gần 80% sơn ở Ấn Độ có hàm lượng chì không an toàn, bất chấp luật cấm bán sơn có chì trên thị trường.

Các tổ chức phi lợi nhuận, bao gồm Dự án loại bỏ phơi nhiễm chì, Mạng lưới loại bỏ chất ô nhiễm quốc tế và Liên minh toàn cầu loại bỏ sơn có chì, đã đạt được thành công ở Malawi, Pakistan và Tanzania trong việc giúp các cơ quan quản lý ban hành và thực thi các lệnh cấm sơn có chì, đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất sơn chuyển đổi các nguyên liệu nhằm thay thế chì.

Nói rộng hơn, các cơ quan quốc tế và ngân hàng phát triển có thể giúp chính phủ điều chỉnh mức độ phơi nhiễm chì bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính, đào tạo cơ quan quản lý và cung cấp cho chính phủ thiết bị tốt để phát hiện chì.

Ví dụ, sự hợp tác giữa chính phủ Bangladesh, Đại học Stanford và Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Tiêu chảy Quốc tế đã giảm thiểu tình trạng ô nhiễm chì trong củ nghệ bằng cách giáo dục người tiêu dùng, kiểm tra và phạt tiền những người buôn bán nghệ nhiễm chì.

Trước khi chương trình này bắt đầu vào năm 2019, gần một nửa số mẫu nghệ tươi có dấu hiệu nhiễm chì. Sau hai năm, thử nghiệm tiếp theo cho thấy các loại gia vị có chứa chì gần như đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi thị trường Bangladesh. Chương trình này chỉ có giá 560.000 USD.

Có lẽ khía cạnh bi thảm nhất của tai họa nhiễm độc chì toàn cầu là nó hoàn toàn có thể tránh được: các chính phủ, các ngành công nghiệp và các nhà khoa học biết chính xác cách ngăn chặn nó, và các nước phát triể đã làm như vậy trong nửa thế kỷ.

Việc nhân rộng thành công đó ở phần còn lại của thế giới sẽ tiêu tốn một khoản chi phí tương đối thấp và giúp hàng triệu người thoát khỏi cái chết và khuyết tật do ngộ độc chì. Trong một thời đại được xác định bởi những vấn đề toàn cầu dường như khó giải quyết, đây là một vấn đề có thể giải quyết được.

Theo Foreign Affairs
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.