Trong bài phát biểu, ông Zelensky ca ngợi lòng dũng cảm của Nhật Bản, vốn là quốc gia châu Á đầu tiên đứng lên bênh vực Ukraine, bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về an ninh của các nhà máy điện hạt nhân và khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, những chủ đề gây được tiếng vang đặc biệt Nhật Bản.
Tổng thống Ukraine sau đó nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ hàng trăm quan chức cấp cao và giới lập pháp Nhật Bản, những người ngồi chật kín phòng họp của hạ viện.
Vào giữa tháng 2, Ukraine là một quốc gia mà ngay cả người Nhật được giáo dục tương đối tốt cũng chưa chắc chỉ được ra trên bản đồ. Nhưng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin điều quân sang Ukraine vào cuối tháng 2, quan điểm của dư luận Nhật Bản về quốc gia Đông Âu này đã biến đổi nhanh chóng.
Trong vòng vài ngày, người dân Nhật Bản vừa thông cảm vừa giận dữ khi đọc tin tức chiến sự từ Ukraine, mà theo lời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine đã phá hoại “nền tảng của trật tự quốc tế và sự an toàn cũng như chủ quyền của chính Nhật Bản có thể bị đe dọa."
Cuộc chiến tại Ukraine đã làm gia tăng các cuộc tranh luận về khả năng tự vệ của Nhật Bản và kích hoạt những nguy cơ có thể xảy ra. Trở về sau các cuộc đàm phán khẩn cấp của NATO ở Brussels, Thủ tướng Kishida cho rằng đây là thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất mà Nhật Bản phải đối mặt kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Những hành động quyết đoán và tuyên bố táo bạo của nhà lãnh đạo Nhật Bản đã khiến nhiều nhà quan sát nước ngoài ngạc nhiên. Nhưng điều họ có thể không hiểu là cách tiếp cận mới của Tokyo đã phát triển cùng với những thay đổi sâu sắc trong định hướng của xã hội Nhật Bản đối với thế giới bên ngoài và những thay đổi cơ bản trong dư luận Nhật Bản có thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của nước này trong nhiều năm tới.
Lên án hành động của Nga
Chỉ vài năm trước đây, việc Nhật Bản chỉ trích Nga một cách nhanh chóng và mạnh mẽ sẽ khó xảy ra. Sau khi cựu Thủ tướng Abe Shinzo tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 12 năm 2012, chính phủ Nhật Bản đã đầu tư đáng kể vào nền kinh tế Nga và củng cố mối quan hệ bền chặt với các nhà lãnh đạo tại Moscow.
Vào thời điểm ông Abe rời nhiệm sở vào năm 2020, cựu Thủ tướng Nhật Bản đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin 27 lần, trong đó có một lần tại một suối nước nóng (onsen) ở Nagato - quê hương của ông Abe, sự kiện này còn được biết đến với tên gọi “hội nghị thượng đỉnh onsen.”
Dưới thời ông Abe, Nhật Bản đã tạo ra một vị trí cấp nội các mới nhằm theo đuổi quan hệ kinh tế với Nga và sự hợp tác giữa hai nước kể từ đó đã dẫn đến hơn 200 dự án của khu vực tư nhân Nhật Bản ở Nga, bao gồm hai dự án năng lượng Sakhalin-1 và Sakhalin-2 đầy tham vọng.
Mặc dù Nhật Bản đã cùng với các nước G-7 khác chỉ trích việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, nhưng những lời chỉ trích của nước này lại hạn chế hơn nhiều so với các nước khác. Chưa đầy 3 tuần sau khi cựu sĩ quan tình báo Nga Sergei Skripal bị ám sát ở Vương quốc Anh vào năm 2018, trong khi các nước G-7 khác trục xuất các nhà ngoại giao Nga, chính phủ Abe đã chào đón Ngoại trường Sergey Lavrov đến Tokyo cùng một chiếc bánh sinh nhật hình quả bóng đá.
Chính quyền Abe hy vọng sự nhún nhường trước các động thái của Nga sẽ giúp ích cho các cuộc đàm phán giữa Tokyo với Moscow về một hiệp ước hòa bình được chờ đợi từ lâu, qua đó Nga sẽ trả lại 4 đảo thuộc quần đảo Kuril cho Nhật Bản.
Các hòn đảo này nằm ở phía bắc đảo Hokkaido, được Nhật Bản gọi là "lãnh thổ phía bắc" và nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ khi Liên Xô sáp nhập Kuril cuối Thế chiến thứ hai. Hy vọng "thu hồi" Kuril của Nhật Bản đã tan thành bong bóng khi vào tháng 7 năm 2020, chính phủ Nga sửa đổi hiến pháp nhằm cấm tất cả các hành động nhượng bộ lãnh thổ.
Tựu chung lại, màn "tán tỉnh" ông Putin của các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhằm mang lại một thỏa thuận hòa bình lịch sử đã biến thành một nỗi xấu hổ tại Tokyo.
Cuộc xung đột tại Ukraine vào đầu năm nay đã tạo cơ hội cho chính quyền Thủ tướng Kishida dứt khoát thoát ly các chính sách của những người tiền nhiệm đối với Nga. Nhật Bản nhanh chóng ban hành lệnh trừng phạt Nga và đóng băng tài sản của các quan chức và nhà tài phiệt hàng đầu của Nga có quan hệ mật thiết với Điện Kremlin.
Chính quyền Tokyo còn trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga và hỗ trợ các biện pháp bổ sung nhằm cô lập Moscow khỏi hệ thống tài chính quốc tế và nền kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như loại trừ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT.
Trong khi đó, hỗ trợ trực tiếp của Nhật Bản cho Ukraine đã vượt quá mong đợi. Ngoài 100 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp và 100 triệu USD cho vay, chính phủ Nhật Bản đã cung cấp cho quân đội Ukraine áo chống đạn, mũ bảo hiểm, quân phục chiến đấu mùa đông, lều, máy ảnh, nhu yếu phẩm và thiết bị y tế. Mặc dù những khoản viện trợ này còn khiêm tốn khi so sánh với lượng vũ khí đắt tiền từ các nước khác đổ vào Ukraine, nhưng quyết định hỗ trợ cho quân đội Ukraine là một bước ngoặt đối với việc thiết lập chính sách quốc phòng của Nhật Bản, do nước này tự áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu thiết bị quân sự ra nước ngoài.
Một bất ngờ khác đó là chính phủ Nhật Bản mở cửa đón những người tị nạn Ukraine. Trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản vốn khắt khe với dòng người tị nạn, kể từ năm 1982, chưa đến 1% những người nộp đơn xin quy chế tị nạn được phép ở lại.
Đến ngày 24/3, khi Tổng thống Joe Biden chịu khuất phục trước áp lực quốc tế và tuyên bố rằng Mỹ sẽ chấp nhận người tị nạn từ Ukraine, Tokyo đã tiếp nhận 188 người, cấp thị thực cho 300 người khác và thành lập một lực lượng đặc nhiệm toàn chính phủ để điều phối người tị nạn. Vào ngày 5/4, khi Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa trở về sau chuyến thăm chính thức Ba Lan, ông đã đưa 20 người tị nạn Ukraine sang Nhật Bản trên một chiếc máy bay của chính phủ.
Vai trò kiến thiết
Mặc dù các hành động gần đây của chính quyền Kishida đi ngược lại chính sách của người tiền nhiệm, nhưng một số biện pháp mà chính phủ Nhật Bản hiện tại đang thực hiện để hỗ trợ Ukraine thực sự được xây dựng dựa trên các nền tảng của chính quyền cũ.
Ví dụ, những nỗ lực của ông Abe nhằm đóng một vai trò mang tính xây dựng trong G-7 và hạn chế Mỹ sau đó. Những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm đưa Mỹ thoát ly khỏi các liên minh đã giúp nâng cao vị thế của Nhật Bản trong nhóm. Với cuộc khủng hoảng hiện tại, ông Kishida đã tận dụng vị thế mới hình thành đó để đưa thêm nhiều nước châu Á vào liên minh chống lại Nga. Trước chuyến đi tới Brussels, ông Kishida đã đến Ấn Độ và Campuchia để tranh thủ cam kết lên án “bất kỳ nỗ lực nào nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực,” như ông nói.
Những nỗ lực của cựu Thủ tướng Abe nhằm khôi phục nhóm Bộ tứ bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ và thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương đã giúp tạo nền tảng cho sự lãnh đạo của Nhật Bản trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Quyết định của ông Abe về việc thành lập Ban Thư ký An ninh Quốc gia và tăng cường các cơ chế phối hợp giữa các bộ cũng đã phục vụ tốt cho chính quyền Kishida trong cuộc khủng hoảng Ukraine, cho phép chính phủ này phản ứng nhanh với các sự kiện diễn ra nhanh chóng. Điều này cuối cùng đã cho phép chính phủ Nhật Bản bỏ lại "tiếng xấu" vào giai đoạn Chiến tranh vùng Vịnh (1990-1991), khi sự do dự về cách hỗ trợ liên quân phương Tây đã dẫn đến làn sóng chỉ trích Tokyo.
Thậm chí nhiều thay đổi mang tính hệ quả đang diễn ra bên dưới bề mặt, trong chính xã hội Nhật Bản. Cuộc khủng hoảng hiện tại là một lời nhắc nhở mạnh mẽ đối với công chúng Nhật Bản rằng không nên coi hòa bình là điều hiển nhiên, rằng an ninh của một quốc gia đòi hỏi người dân hành động. Những nhận thức này có thể sớm dẫn đến những thay đổi trong quỹ đạo chính sách đối ngoại của Nhật Bản và vai trò của nước này trong quan hệ với Mỹ.
Kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, số phận của người dân nước này ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các cuộc diễn thuyết của công chúng Nhật Bản. Trên khắp Nhật Bản, các lâu đài, đền thờ, tòa nhà chính phủ và các địa danh lớn khác được thắp sáng vào ban đêm trong màu vàng và xanh của quốc kỳ Ukraine. Giới trẻ Nhật Bản đã tụ tập quanh khu Shibuya ở Tokyo để biểu tình ủng hộ Ukraine và thành phố Kyoto đã kỷ niệm 50 năm mối quan hệ hữu nghị với Kyiv bằng cách khởi động một chương trình tiếp nhận và hỗ trợ những người Ukraine tị nạn.
Vào ngày 27/2, ông Mikitani Hiroshi - giám đốc điều hành của Rakuten, một tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Nhật Bản, đã phát động một đợt quyên góp với mục tiêu thu về 1 tỷ yên (7,9 triệu USD) để hỗ trợ Ukraine. Chỉ trong vòng 10 ngày, số tiền mà họ thu về cao gấp 9 lần mục tiêu ban đầu.
Các thành phố trên khắp Nhật Bản đang cung cấp dịch vụ tư vấn cho những người tị nạn Ukraine, giúp họ tìm nhà ở, dịch vụ y tế và chăm sóc trẻ em. Quỹ Nippon đã đưa ra một sáng kiến cung cấp cho người tị nạn các chuyến bay miễn phí đến Nhật Bản, sau đó kết nối họ với các công ty và chính quyền địa phương đã cung cấp nhà ở và hỗ trợ tài chính. Những nỗ lực như vậy nhận được sự ủng hộ đông đảo của công chúng: một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 90% công chúng Nhật Bản ủng hộ việc chấp nhận người tị nạn Ukraine.
Các nhà bình luận đang tìm cách giải thích việc Nhật Bản dành nhiều sự ủng hộ cho Ukraine, họ cho rằng tình cảnh đau khổ của người Ukraine khiến người Nhật Bản liên tưởng tới cha ông họ vào thời kỳ Thế chiến thứ hai.
Ông Zelensky không nêu tên Fukushima, Nagasaki hoặc Hiroshima trong bài phát biểu trước quốc hội Nhật Bản, nhưng công chúng Nhật Bản ngay lập tức hiểu được mối quan tâm của ông về mối nguy hiểm hạt nhân. Nhiều người Nhật Bản đã trải qua hiểm họa hạt nhana sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, và đồng cảm với những người Ukraine khao khát được trở về nhà.
Đối với nhiều người Nhật Bản bình thường, cuộc chiến ở Ukraine đã dẫn đến nhận thức rằng họ không thể coi an nguy của mình là điều hiển nhiên. Giờ đây, nhiều người tin rằng họ có thể sớm thấy "sự thay đổi đơn phương đối với hiện trạng bằng vũ lực" ở khu vực lân cận Nhật Bản.
Cuối cùng, sức chống cự bền bỉ của quân đội Ukraine đã thúc đẩy một cuộc tranh luận triết học hiếm hoi ở Nhật Bản về lý do mà các quốc gia dám đứng ra chiến đáu. Sau khi một số chuyên gia Nhật Bản lập luận ngay từ đầu rằng quân đội Ukraine nên bỏ cuộc vì chiến tranh với người Nga sẽ dẫn đến thiệt hại nhiều hơn về nhân mạng, họ đã nhận được sự phản đối gay gắt từ các chính trị gia, các chuyên gia khác và công chúng Nhật Bản. Cuộc chiến ở Ukraine có thể trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho công chúng Nhật Bản.
Nhật Bản, không giống như Ukraine, là một đồng minh hiệp ước của Mỹ, nhưng không phải ai cũng thấy điều đó hoàn toàn yên tâm. Đề cập đến lập luận năm 2021 của Biden rằng "quân đội Mỹ không thể và không nên chiến đấu trong một cuộc chiến và chết trong một cuộc chiến mà các lực lượng Afghanistan không sẵn sàng chiến đấu cho chính họ", một số nhà bình luận Nhật Bản cho rằng Nhật Bản phải suy nghĩ kỹ về quan điểm đó.
Cuộc tranh luận công khai về chính sách quốc phòng của Nhật Bản mà cuộc chiến ở Ukraine gây ra vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và không thể dự đoán cuối cùng nước này sẽ tiến tới chính sách mới nào.
Tuy nhiên, điều chắc chắn là trong vòng một vài tuần ngắn ngủi, cuộc chiến đã lôi kéo sự tập trung của dư luận Nhật Bản vào chính sách quốc phòng, ngay khi chính phủ Nhật Bản chuẩn bị cho việc xem xét chính thức Chiến lược An ninh Quốc gia mà nước này dự kiến tiến hành trong năm nay. Mặc dù chiến lược an ninh của Nhật Bản sẽ vẫn tập trung vào Trung Quốc và Triều Tiên, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản nhận thức sâu sắc về thực tế rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể khiến Mỹ chuyển sự chú ý và nguồn lực khỏi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Một cuộc chiến khác biệt
Đối với xã hội Nhật Bản, cuộc chiến ở Ukraine còn có một ý nghĩa sâu sắc hơn, và tác động của nó đã tạo ra tiếng vang vượt xa việc thiết lập chính sách quốc phòng. Kể từ sau Thế chiến thứ hai, thì Nhật Bản, theo lời mở đầu của hiến pháp năm 1946, “quyết tâm giữ gìn an ninh và sự tồn tại của chúng ta, tin tưởng vào công lý và đức tin của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới”.
Niềm tin đó giờ đã bị phá vỡ bởi Nga, với nguy cơ gây tổn hại toàn bộ trật tự quốc tế thời hậu chiến. Nếu Nhật Bản duy trì mục tiêu quốc gia được mô tả trong câu tiếp theo của phần mở đầu hiến pháp: “để chiếm một vị trí danh dự trong một xã hội quốc tế đang phấn đấu bảo vệ hòa bình, trục xuất chế độ chuyên chế và nô lệ, áp bức và không khoan dung cho mọi thời đại khỏi thế giới", nước này phải vượt qua bất kỳ tâm lý dè dặt và chuẩn bị thực hiện hành động táo bạo và cụ thể.
Bài phát biểu của Tổng thống Ukraine trước quốc hội Nhật Bản, thể hiện sự hiểu biết sắc sảo về sự gắn bó của xã hội Nhật Bản với chủ nghĩa hòa bình, đã mở ra cho Nhật Bản một con đường phía trước. Ông Zelensky đã không kêu gọi Nhật Bản gửi vũ khí, như ông đã kêu gọi các quốc gia khác. Thay vào đó, ông yêu cầu Tokyo tiếp tục gây sức ép với Nga thông qua các biện pháp trừng phạt. Mô tả sự ngưỡng mộ của mình đối với các giá trị và lịch sử phát triển, bảo vệ hòa bình và bảo vệ môi trường của Nhật Bản, Zelensky kêu gọi Nhật Bản đóng vai trò hàng đầu trong việc tái thiết Ukraine và cải cách các thể chế quốc tế.
Kinh nghiệm tái thiết của Nhật Bản sau các cuộc chiến tranh và thiên tai không chỉ tạo ra sự đồng cảm lớn hơn giữa người Nhật đối với người Ukraine, mà còn thúc đẩy hành động thay mặt cho người dân Ukraine và người dân trên thế giới đang tìm kiếm nơi ẩn náu khỏi bạo quyền và áp bức. Mặc dù vài trăm người Ukraine sơ tán đến Nhật Bản cho đến nay là một tỷ lệ rất nhỏ trong số những người chạy trốn chiến tranh, nhưng sự hiện diện của họ ở Nhật Bản có thể sẽ là chất xúc tác quan trọng cho sự thay đổi chính sách trong nước.
Rất khó để biết liệu sự đồng cảm hiện nay đối với Ukraine có tiếp tục hay không, sau khi cuộc chiến đang bước vào thế bế tắc và ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt đang tác động tới đời sóng của người dân Nhật Bản.
Theo một cuộc thăm dò của nhật báo Asahi, 67% công chúng Nhật Bản ủng hộ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga ngay cả khi có những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Nhật Bản. Thoạt nghe, đây có vẻ là một lựa chọn dễ dàng: Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc và Mỹ hơn là thương mại với Ng. Ví dụ, sự biến mất của món cua Nga khỏi thực đơn tại Nhật Bản dường như là một sự hy sinh có thể chấp nhận được đối với nhiều người. Mặt khác, việc từ bỏ cổ phần của Nhật Bản trong dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng Sakhalin-2, có trụ sở tại Nga và được coi là quan trọng đối với an ninh năng lượng lâu dài của Nhật Bản, sẽ là một lựa chọn khó khăn hơn đối với Nhật Bản.
Các chính sách sắp tới của Thủ tướng Kishida sẽ rất quan trọng và kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, ông đã tìm cách trấn an người dân Nhật Bản rằng mình đã sẵn sàng để vượt qua thử thách.
Trong những phát biểu trước công chúng gần đây, ông Kishida đã nhiều lần nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của thời khắc này đối với người dân Nhật Bản. Vì Nhật Bản dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-7 vào năm 2023, thành phố Hiroshima - quê hương của ông Kishida, có thể trở thành địa điểm lý tưởng.
Nếu như Ukraine có thể bước sang giai đoạn tái thiết vào thời điểm đó, thì hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Hiroshima sẽ tượng trưng cho một sự khởi đầu mới thời hậu chiến, như cách ông Zelensky đã mô tả trong bài phát biểu của mình trước quốc hội Nhật Bản: “ngày mai sẽ đến, sẽ ổn định và bình yên. Cho chúng ta, cho thế hệ tương lai.”
Bài viết thể hiện quan điểm của Giáo sư Hikotani Takako từ Trung tâm Quốc tế Đại học Gakushuin.