Vì được thiết kế để hỗ trợ người mắc chứng sa sút trí tuệ, kính sẽ hiển thị một màn hình trước mắt người đeo, trên đó có một mục tiêu màu xanh điều hướng đến các vật thể. Hệ thống không chỉ nhận diện các vật dụng như thiết bị nhà bếp, mà còn cung cấp thông tin về cách sử dụng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để học hỏi từ những tương tác trước đó.
Với micro và loa tích hợp, kính có thể ghi âm và phát lại những ký ức gắn với mỗi vật thể, và sẽ có một giọng nữ âm điệu Scotland tương tác với người đeo.
Đây là một trong năm dự án lọt vào chung kết giải thưởng Longitude về hỗ trợ người sa sút trí tuệ với giải thưởng trị giá 1 triệu bảng Anh (gần 30 tỷ đồng).
Dù các thiết bị vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, kính có vẻ khá nặng và chưa xử lý tốt khi có tiếng ồn của máy điều hòa nhưng được kỳ vọng rất cao.
Bà Kate Lee, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Alzheimer, đơn vị phối hợp với Innovate UK tài trợ cho giải thưởng nhận định: “AI mang đến những cơ hội thú vị để giúp những người mắc chứng sa sút trí tuệ duy trì hoạt động và độc lập, giúp họ ở lại nhà riêng lâu nhất có thể. Bằng cách tận dụng sức mạnh của công nghệ, chúng ta có thể hỗ trợ gợi nhớ ký ức và giúp mọi người duy trì thói quen hàng ngày.”
Năm đội chung kết được chọn ra từ 24 đội bán kết trước đó đã chia sẻ 1,9 triệu bảng tài trợ. Mỗi đội chung kết nhận thêm 300.000 bảng để phát triển sản phẩm. Người chiến thắng chung cuộc nhận giải thưởng 1 triệu bảng dự kiến sẽ được công bố vào đầu năm 2026.
Trong số các dự án khác lọt vòng chung kết, có hai nhóm phát triển thiết bị đeo thông minh. Một thiết bị sử dụng công nghệ cảm biến sân bóng đá, thiết bị còn lại thu thập dữ liệu về thói quen hàng ngày của người dùng và nhắc nhở họ thực hiện các công việc thường ngày. Nếu người đeo không phản hồi, thiết bị có thể cảnh báo cho người chăm sóc.
Một dự án khác phát triển thiết bị hỗ trợ gia đình, tích hợp màn hình vào thiết bị giống như điện thoại, cho phép thực hiện cuộc gọi video cùng nhiều tính năng khác.
Cũng lọt vào chung kết là một hệ thống giám sát bảo vệ quyền riêng tư, tương tự như hộp giải mã tín hiệu Freeview, được đặt trong nhà người mắc Alzheimer. Hệ thống không dùng các công nghệ xâm phạm quyền riêng tư như camera hay micro, mà sử dụng radar để giám sát vị trí và chuyển động của người dùng qua nhiều phòng và ứng dụng học máy (một dạng AI) để nhận diện những điều bất thường.