Ông Qu Xing, Phó Tổng Giám đốc UNESCO, người trực tiếp ký MoU chia sẻ: “UNESCO rất vui mừng bước vào giai đoạn củng cố mối quan hệ với Quỹ Anna Lindh, một đồng minh chân chính trong việc tiếp cận các bên liên quan, xã hội dân sự và trao quyền cho cộng đồng”.
Ông Qu Xing cho rằng biên bản ghi nhớ chính là bước đi vững chắc đầu tiên mở màn cho rất nhiều hoạt động hợp tác trong tương lai.
TS Nabil Al-Sharif, Giám đốc điều hành của Quỹ Anna Lindh phát biểu: “Chúng tôi cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa, các mối liên kết chính sách nghiên cứu, sự liên kết chặt chẽ giữa thanh niên và xã hội dân sự. Chúng tôi lấy làm vinh dự và vui mừng được hợp tác và chung tay hành động với UNESCO”.
Hai bên cùng bày tỏ sự hài lòng đối với động lực và sức mạnh tổng hợp mới. Sự hợp tác sẽ tập trung chủ yếu vào việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đặc biệt nhấn mạnh vào đối thoại liên văn hóa; ngoại giao văn hóa, Giáo dục va đào tạo cũng như bình đẳng giới và báo cáo đa văn hóa, và quản lý đa dạng văn hóa.
Xương sống của Bản ghi nhớ dựa trên sự cam kết tăng chia sẻ chuyên môn; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu; tăng cường năng lực liên văn hóa, thông qua việc sử dụng tối ưu và sự tham gia của các mạng tương ứng, củng cố công tác vận động chính sách; các hoạt động chung; cùng với các nền tảng và mạng lưới khu vực.
Quỹ Anna Lindh là một Quỹ quốc tế được thành lập vào năm 2005 bởi các quốc gia đối tác châu Âu - Địa Trung Hải và Liên minh châu Âu trong khuôn khổ Quy trình Barcelona. Với tư cách là tổ chức đối thoại liên văn hóa giữa các dân tộc trong khu vực, Quỹ đại diện cho một mạng lưới bao gồm các tổ chức xã hội dân sự để thúc đẩy đối thoại liên văn hóa và tôn trọng sự đa dạng trong khu vực. Quỹ Anna Lindh tập trung vào hành động liên văn hóa xung quanh bốn nhiệm vụ chính: Nghiên cứu và vận động liên văn hóa; Trao quyền cho những người trẻ tuổi; Học tập liên văn hóa; Kết nối và trao quyền cho xã hội dân sự.