Tới dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý khẳng định: Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền có ý nghĩa lịch sử to lớn, là cột mốc bản lề, một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử đất nước Việt Nam, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn 1.000 năm của phong kiến phương Bắc và mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài và phát triển rạng rỡ của dân tộc Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại buổi lễ. |
Sau ngày chiến thắng, vào mùa Xuân năm 939, Ngô Quyền kéo đại quân về Cổ Loa để khẳng định sự tiếp nối sự nghiệp dựng nước và giữ nước từ đời Hùng Vương, An Dương Vương, khẳng định quyết tâm giữ vững nền độc lập vừa giành lại được. Ngô Quyền quyết định bãi bỏ chức Tiết độ sứ của phương Bắc, mở nước, xưng Vương, lập ra triều Ngô và đóng đô trong tòa thành Cổ Loa cổ kính của An Dương Vương và Nhà nước Âu Lạc. Cùng với việc lên ngôi, Ngô Vương Quyền còn đặt ra các chức quan văn, quan võ, quy định quan chế, các nghi lễ trong triều…
Lễ kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử nhằm tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến Vị Tổ Trung Hưng của đất nước, vị Anh hùng đã cùng các tướng lĩnh và nhân dân làm nên chiến thắng Bạch Đằng vang dội.
Màn trình diễn sử thi tái hiện Chiến thắng Bạch Đằng |
Đồng thời, lễ kỷ niệm cũng là dịp tôn vinh tinh thần yêu nước và ý chí độc lập, tự cường, khát vọng hòa bình của dân tộc; tuyên truyền, giáo dục ý nghĩa sâu sắc về sự kiện trọng đại có sức lan tỏa rộng khắp trong nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Tại lễ kỷ niệm, Phó Giáo sư, tiến sỹ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bày tỏ vui mừng khi thành phố Hà Nội tổ chức trang trọng lễ kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa.
Theo Phó Giáo sư, tiến sỹ Trần Đức Cường, Ngô Quyền chọn Cổ Loa làm nơi định đô là sự tiếp nối truyền thống lịch sử của các thời đại trước.
Phó Giáo sư, tiến sỹ mong muốn trong thời gian tới, Hà Nội có nhiều hình thức tôn vinh công lao của Ngô Quyền hơn nữa để xứng đáng với tầm vóc, công lao của Ngô Quyền trong lịch sử và mong muốn Hà Nội xây dựng đền thờ Ngô Quyền ngay tại Di tích Cổ Loa này.
Cũng trong lễ kỷ niệm, các đại biểu cùng nhân dân địa phương thưởng thức trống hội và màn trình diễn sử thi tái hiện Chiến thắng Bạch Đằng cùng sự kiện Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa, phục hồi quốc thống, nối nghiệp vua Hùng, vua Thục.
Ngoài ra, nhân dịp lễ kỷ niệm 1.080 năm Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa, tại huyện Đông Anh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giao lưu, thi đấu thể dục, thể thao và tổ chức nhiều trò chơi dân gian.