Tại vị trí nghi xảy ra vụ tai nạn, theo quan sát của phóng viên VietnamPlus, hiện trường vẫn còn loang lổ vết máu và vật dụng bông băng sơ cứu vất vương vãi.
Nhiều nhân chứng khác cũng khẳng định đã nghe thấy một tiếng động giống như vật liệu rơi nhưng khi ra tới hiện trường thì thấy có một người công nhân nằm sõng soài dưới đất. Ngay sau đó, công nhân này đã được đưa đi cấp cứu.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, Ban đang cho kiểm tra và xác minh thông tin từ đơn vị thi công, nhà thầu.
Trước đó, vào tháng 10/2016, một nam công nhân cũng bị rơi từ nhà ga trên đường Trần Phú, Hà Đông do bất cẩn nhảy cách bậc thang, dẫn đến trượt chân. Nam công nhân này sau đó đã tử vong sau một ngày nhập viện.
Tại lễ hợp long phiến dầm cuối cùng trong tổng số 806 phiến của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông dài 13,05 km vào sáng ngày 8/10/2016, khẳng định giai đoạn khó khăn đó chính là xây lắp trụ mố, lao lắp dầm trải qua thì xảy ra mất an toàn nhiều nhất, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết hiện nay, việc thi công chủ yếu trong nội tuyến đường sắt đó là lắp đặt thiết bị và khu depot.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý dự án đường sắt và Tổng thầu thường xuyên cập nhật kỹ thuật an toàn cho đội ngũ công nhân về vận hành an toàn, thiết bị điện, có cảnh báo và lưới an toàn để ngăn vật liệu xây dựng rơi xuống đường...
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông cũng đã xảy ra hàng loạt các sự cố khiến người dân lưu thông trên tuyến đường này luôn cảm thấy bất an, lo sợ.
Cụ thể, vào ngày 6/11/2014, tại khu vực thi công xây dựng nhà ga Thanh Xuân III đường Nguyễn Trãi thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, trong quá trình cẩu thép cây để thi công kết cấu phần trên ga Thanh Xuân III đã xảy ra sự cố làm một người điều khiển xe môtô bị tử nạn và hai người dân khác bị thương.
Hơn một tháng sau, vào ngày 27/12, tại vị trí ga bến xe Hà Đông, đường Trần Phú dự án đã xảy ra sự cố "cơn mưa" sắt thép và bê tông chôn vùi chiếc xe taxi chở 4 người nhưng rất may không có ai bị thương. Đến ngày 25/8/2015, một thanh sắt trên dàn giáo thi công ga Hà Đông của dự án rơi xuống ôtô 4 chỗ đang đi phía dưới.
Được biết, Sau nhiều lần gia hạn tiến độ, Chính phủ đã “chốt” với Bộ Giao thông Vận tải trong quý 1/2018, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông phải đưa vào khai thác thương mại./.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD; trong đó, vay vốn của Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 133 triệu USD. Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD, tăng 250 triệu USD.
Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến năm 2018 mới khai thác thương mại.