Trăm cái khó
Hiện đã về hưu được vài năm, cô Nguyễn Thị Mỹ (sinh năm 1965, ngụ tại Bình Tân) đang nhận được khoản trợ cấp vỏn vẹn 500 ngàn đồng/tháng. Tuy mức thu nhập trên không cao nhưng theo quy định,con trai cô vẫn được giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mặc dù thực tế đang nuôi dưỡng mẹ mình. Về phần cô Mỹ vì đã lớn tuổi nên rất khó xin được việc làm, mặc nhiên cô trở thành gánh nặng của gia đình trong một thời gian dài.
Một trường hợp khác, anh Quang Ngãi (sinh năm 1974, ngụ Quận 6) tuy có bằng cử nhân quản trị kinh doanh nhưng sau khi nghỉ việc do Covid-19 đã thất nghiệp gần nửa năm nay, anh chia sẻ: “Trước đây tôi là trưởng phòng hành chính nhân sự cho một công ty chuyên kinh doanh bất động sản. Sau hơn chục năm hoạt động, vào đợt dịch Covid-19 vừa rồi, doanh nghiệp buộc phải giải thể lý do kinh doanh không còn hiệu quả và mất cân bằng về tài chính. Tôi cũng đã nộp đơn nhiều nơi để tìm một vị trí mới phù hợp với chuyên môn và kinh nghiệm của mình. Lúc này, tôi mới nhận ta tuổi tác là trở ngại lớn. Bằng chứng là gần nửa năm qua, tôi đã miệt mài nộp hồ sơ trên các kênh tìm việc làm hoặc thậm chí thấy nơi nào tuyển tôi tự liên hệ hotline công ty nhưng không ăn thua. Có nơi trao đổi qua điện thoại, ngay sau khi hỏi tuổi xong họ cũng bớt hào hứng, tôi thậm chí còn không có cơ hội đến tham gia phỏng vấn”.
Trong khi đó, chị Ngân (sinh năm 1971, ngụ Tân Phú), vừa quyết định xin nghỉ việc là do bị một xí nghiệp theo làm nhiều năm trên địa bàn chèn ép, tìm cách “đuổi khéo”. Chị Ngân kể, cách đây khoảng hai tháng, chị khi bị công ty chuyển vị trí làm việc sang bộ phận đông lạnh thường phải vận chuyển hàng nặng, chỉ dành cho nam giới, thay vì việc ở dây chuyền đóng gói như trước đây. Biết rằng với độ tuổi của mình không dễ tìm được công việc ổn định với mức lương ổn nên chị đã cố gắng thích nghi với vị trí mới. Nhưng do công việc quá sức mình nên một tháng sau chị cũng phải xin nghỉ việc và hiện vẫn chưa tìm được công việc mới phù hợp.
Các xí nghiệp, công ty tuyển lao động phổ thông thì lại ưu tiên tuyển người trẻ tuổi từ 18-35. Ảnh: Kiều Trang |
Thế mạnh kinh nghiệm
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, công ty đều mong muốn trẻ hóa đội ngũ nhân sự để môi trường làm việc được tươi mới, năng động hơn. Tuy nhiên, cũng không nên vì vậy mà bỏ qua thế mạnh lớp lao động độ tuổi trung niên. Ngoài năng lực chuyên môn, người lao động ở độ tuổi trung niên còn có kinh nghiệm dày dặn. Điều này thể hiện ở cách xử lý và giải quyết vấn đề cũng như sự cẩn thận, chuyên cần với công việc.
Anh Trần Hoàng (chủ tiệm In ấn M.H ở Gò Vấp) cho biết anh thường chỉ ưu tiên tuyển thợ phụ trên 40 tuổi vì ở tuổi này người ta rất quý công ăn việc làm, không có chuyện làm “bữa đực bữa cái” rồi nghỉ như lớp trẻ. “Mình thì không câu nệ tuổi tác mà chỉ xem trọng thái độ và kinh nghiệm làm việc. Mở tiệm và thuê thợ nhiều năm qua, mình nhận thấy các anh lớn tuổi họ thườngxử lý vẫn đề chắc hơn, công việc được giao làm cũng làm đâu ra đó, ít có tình trạng bỏ ngang và có trách nhiệm hơn”, anh Hoàng chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, trong thời điểm này cánh cửa việc làm cho người lao động lớn tuổi vẫn còn rất hẹp. Bởi họ sẽ rất vất vả tìm việc nếu chẳng may thất nghiệp vì một lý do nào đấy. Và khi trở thành lao động tự do, theo quy định họ không được tiếp tục duy trì bảo hiểm xã hội, mất luôn nguồn lương hưu sau này. Do đó, người lao động tuổi trung niên không còn cách nào ngoài việc làm việc tận tụy, tuân thủ nội quy để không bị sa thải đường đột khi sức khỏe vẫn còn.
Lấy ngắn nuôi dài
Được nhận vào làm tạp vụ tại nhà hàng cách nhà 10 cây số với mức lương hơn 3,5 triệu đồng/tháng, cô Mỹ vui mừng cho biết sẽ cố gắng làm việc thật tốt để có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, bởi hơn ai hết cô hiểu nỗi vất vả của con trai khi phải làm một mình cáng đáng chi tiêu trong gia đình.
Về phần anh Quang Ngãi, do chưa tìm được công việc đúng chuyên môn nên anh đành phải làm chân giao nhận cho một hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM. Anh cho biết, công việc này thường chia theo ca, một ca làm kéo dài 6 tiếng và giữa các ca sẽ thay người. Nhưng vì gánh nặng gia đình nên anh nhận làm cả 2 ca với 12 tiếng đi giao nhận hàng mỗi ngày để có mức lương khá hơn. Dù vất vả nhưng anh rất quý công việc này.
Không phải ai cũng may mắn tìm được việc làm sau 2 trận dịch toàn cầu vừa qua... |
Cô Hoa 60 tuổi, chủ một xe hủ tiếu gà vỉa hè Quận 10 chia sẻ: “Xe hủ tiếu này đang là nguồn sống chính của gia đình cô. Cô bán còn chú (chồng cô) thì bưng bê, cũng không đến nỗi cực nhưng có đồng ra đồng vô. Giờ cô già rồi đi làm giúp việc cho nhà người ta đâu cónổi, chú trước kia có lái xe ôm nhưng không theo được xe ôm công nghệ nên giờ ở nhàphụ cô. Có chú về phụ cô làm nhanh hơn nên cũng bán được nhiều hơn. Mấy em công an trật tự, dân phòng ở đây thấy cô chú tội cũng cho bán chứ không bắt dẹp đi.”
Những trường hợp trên chỉ là tạm “lấy ngắn nuôi dài”, còn số vẫn tìm được giải pháp ổn định thì chưa nhiều. Trong khi đó, theo Tổng cục thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2020 là gần 1,2 triệu người, tăng 123,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 6 năm 2020, cả nước tiếp tục có thêm 30,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong số này, lao động tuổi trung niên nghiễm nhiên là nhóm chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất. Việc thất nghiệp không chỉ đẩy kinh tế gia đình họ rơi vào cảnh bấp bênh, thiếu ổn định mà còn tạo áp lực lên chính sách an sinh xã hội của thành phố.