Mở đầu lễ hội là phần rước lễ. Các vật phẩm là những sản phẩm nông nghiệp tươi ngon nhất của địa phương do chính người dân nuôi, trồng như cơm nếp, rượu, gà, hoa, trái cây, chè, giấy vàng, giấy đỏ, hương... Bên gốc cây chè Tổ ở thôn Pang Cáng, chủ lễ là già làng cao niên, đức độ, có uy tín thông hiểu phong tục tập quán của người Mông, thay mặt bà con dâng lễ cúng, gửi gắm ước mơ, cảm tạ trời đất đã ban phước lành cho dân bản.
Ngay sau phần lễ, phần hội diễn ra với các hoạt động như: Trình diễn quy trình hái chè, chế biến chè Shan tuyết của các chàng trai, cô gái người Mông…
Lễ hội tôn vinh cây chè tổ của người dân xã Suối Giàng được tổ chức hàng năm để tỏ lòng thành kính, biết ơn trời đất, thần linh đã phù hộ cho người dân một năm mưa thuận gió hòa, có những nương chè bội thu. Đồng thời, lễ hội thể hiện nét đẹp văn hóa tâm linh, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, tạo nên giá trị độc đáo của Suối Giàng nhằm thu hút du du khách đến tìm hiểu, khám phá và thưởng trà.
Tại đây, du khách thập phương được hòa mình vào những nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Mông Suối Giàng như: Lễ cúng tôn vinh cây chè Tổ, quy trình hái chè, chế biến và thưởng thức chè Shan tuyết cùng các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc khác. Lễ hội góp phần giáo dục thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn, nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ và phát triển giống chè quý Suối Giàng.
Hiện xã Suối Giàng có trên 500 ha chè Shan; trong đó có quần thể 400 cây chè Shan trên 100 năm tuổi đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt 600 tấn. Chè không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn thu nhập chính của những người dân nơi đây.