Ở hiện tại, với những công cụ tra cứu hữu ích, độc giả có thể tìm kiếm những danh mục khuyến đọc cùng nhiều tiêu chí lựa chọn: theo thể loại, chủ đề, các nhu cầu cụ thể, lứa tuổi... Tuy nhiên, với quan niệm về sách như một người bạn tâm giao theo suốt đời người, gắn bó mật thiết, đồng hành cùng những giai đoạn phát triển, giúp chúng ta định hình và hoàn thiện nhân cách từ chính thói quen đọc thì danh mục khuyến đọc đòi hỏi phải trở nên đa dạng hơn.
Nắm bắt được nhu cầu đó, Công ty cổ phần sách Omega Việt Nam đã ra mắt Dự án Tủ sách đời người vào cuối tháng 3/2022. Theo chia sẻ của bà Trần Hoài Phương - Giám đốc sản xuất Omega Plus, đơn vị đặt mục tiêu chung tay cùng cộng đồng xây dựng tủ sách tinh tuyển tối thiểu 100 đầu sách kinh điển, có giá trị và sức sống lâu bền, phù hợp với nhiều thế hệ người đọc, nhằm cung cấp cho độc giả Việt với danh mục đầy đủ những cuốn sách đáng đọc nhất trong từng giai đoạn cuộc đời, góp phần lan tỏa văn hóa đọc tới từng gia đình, cá nhân. Đồng thời Omega Plus chính thức phát động Cuộc bình chọn “100 cuốn sách nên đọc trong đời".
Đây là một trong những mục tiêu trọng yếu của Dự án xây dựng Tủ sách Đời người với sự đồng hành của các các đơn vị uy tín trong lĩnh vực xuất bản – truyền thông, quan tâm đến phát triển văn hóa, đặc biệt là văn hóa đọc ở Việt Nam, cùng sự tư vấn, phản biện, đóng góp của Ban Cố vấn chuyên môn là những học giả, nhà nghiên cứu, những người có trải nghiệm và hiểu biết về văn hóa đọc của người Việt như nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa; Nhà văn Nguyễn Quang Thiều; Nhà nghiên cứu khảo cổ Nguyễn Thị Hậu; Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh... Các tác phẩm sau khi được cộng đồng bình chọn sẽ được đánh giá và chọn lọc kỹ lưỡng bởi Ban Cố vấn chuyên môn và được đưa vào xuất bản trong dự án Tủ sách Đời người.
Phần thảo luận với các diễn giả là những người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực thư viện và khuyến đọc tại Việt Nam. Ảnh Omega. |
Bên cạnh đó, sự kiện còn có phần thảo luận ngắn với chủ đề “Giải pháp xây dựng, thúc đẩy văn hóa đọc” do TS. Vũ Dương Thúy Ngà - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; TS Nguyễn Thụy Anh; Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cùng thảo luận.
Trong cuộc thảo luận, các diễn giả đã chỉ ra những khó khăn trong công tác khuyến đọc tại Việt Nam, qua đó chia sẻ những góc nhìn, cách làm từ thực tế của bản thân mỗi người để giúp hoạt động đọc sách trở thành nền tảng, gắn bó thiết thân với công chúng. Cuộc thảo luận này mở đầu cho chuỗi những chương trình chia sẻ, giới thiệu và trò chuyện về Tủ sách, cũng như xoay quanh mục tiêu xây dựng, phát triển thói quen, nề nếp đọc cho người Việt.
Sắp tới, chuỗi các hoạt động sẽ xoay quanh Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 diễn ra trong tháng 4 sẽ phong phú với nhiều hình thức như giới thiệu các câu lạc bộ sách, các mô hình tủ sách gia đình, dòng họ, các tủ sách cơ quan, trường học, tủ sách cộng đồng, các hoạt động hướng dẫn kỹ năng đọc sách, các cuộc thi đại sứ văn hóa đọc, tuyên truyền và quảng bá sách.