Các quốc gia thành viên của Liên minh Thái Bình Dương vừa bày tỏ sự lạc quan rằng năm 2021 có thể chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ về tăng trưởng kinh tế tại khu vực này một khi vaccine ngừa Covid-19 được đưa vào sử dụng đại trà.
Các nhà lãnh đạo và quan chức một loạt nước như Chile, Colombia, Mexico và Peru ngày 11/12 tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Thái Bình Dương lần thứ 15 diễn ra dưới hình thức trực tuyến, trong đó Singapore và Ecuador cũng tham gia với tư cách là thành viên liên kết.
Phát biểu nhân sự kiện này, Tổng thống Chile Sebastian Pinera nhấn mạnh: “Chúng ta đã đạt được những tiến bộ lớn trong việc đảm bảo có được một loại vaccine an toàn và hiệu quả, sẵn có để bắt đầu tiêm chủng cho những đối tượng nguy cơ cao nhiễm dịch bệnh trong thời gian tới. Điều này sẽ cho phép chúng ta kiểm soát tốt hơn tình hình đại dịch Covid-19 và cũng cho phép chúng ta khôi phục sự tự do, khôi phục khả năng của tất cả mọi người để có thể tiếp tục thực hiện ước mơ cũng như những kế hoạch của họ”.
Liên minh Thái Bình Dương có 210 triệu người, với nền kinh tế kết hợp trung bình tạo ra 35% tổng sản phẩm quốc nội của Châu Mỹ Latin. Tuy nhiên, trong năm nay, các nền kinh tế thuộc liên minh này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Ngân hàng trung ương Mexico mới đây cảnh báo, nền kinh tế nước này có thể giảm tới 13% trong năm nay.
Tương tự, các quốc gia khác như Chile, Colombia và Peru cũng chứng kiến sự suy giảm đáng kể trong hoạt động thương mại. Chính vì vậy, giới lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh Thái Bình Dương đều hy vọng rằng, sự ra đời của các vaccine ngừa Covid-19 sẽ góp phần kích thích các nền kinh tế tăng trưởng trở lại.
Hàng triệu người thuộc các tầng lớp trung lưu ở Mỹ Latin đang có nguy cơ rơi trở lại vòng xoáy của sự nghèo đói giữa lúc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phơi bày sự mong manh của mạng lưới phúc lợi cũng như sự thiếu hụt tài chính của các chính phủ.