Trong 40 năm qua, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã hoạt động an toàn, đúng kế hoạch gần 70 nghìn giờ. Lò đã được khai thác và sử dụng có hiệu quả để sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích kích hoạt, nghiên cứu khoa học, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, thực hiện sứ mệnh cao cả phục vụ công cuộc dựng xây và phát triển đất nước.
Thông tin trên được Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nói trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày khánh thành công trình khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sáng 23/3.
Lò phản ứng hạt nhân TRIGA Mark-2 công suất 250 kWt được Hoa Kỳ xây dựng tại Đà Lạt từ năm 1963. Trước ngày giải phóng miền Nam, toàn bộ các thanh nhiên liệu của Lò đã được tháo dỡ để chuyển về Hoa Kỳ, nên Lò không còn khả năng hoạt động.
Ngày 15/3/1982, công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng được chính thức khởi công và 2 năm sau vào ngày 20/3/1984, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được chính thức đưa vào vận hành với công suất danh định là 500 kWt, gấp 2 lần so với công suất của lò TRIGA trước đây.
Nhờ có Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và nhiều thiết bị khoa học khác, Viện Nghiên cứu khoa học đã thu được nhiều thành tích đáng ghi nhận trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như trong xây dựng tiềm lực về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ để sẵn sàng tham gia vào các nhiệm vụ được giao.
Những kết quả này được các cơ quan nghiên cứu, đơn vị sản xuất trong và ngoài nước ghi nhận như: điều chế các chất đồng vị phóng xạ, chế tạo thiết bị hạt nhân, phát triển các kỹ thuật phân tích hạt nhân, quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị, công nghệ bức xạ và công nghệ sinh học, an toàn bức xạ, xử lý, quản lý chất thải phóng xạ...
Bên cạnh các thành tựu trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân, Báo cáo tóm tắt những kết quả chính trong công tác quản lý, vận hành và sử dụng Lò phản ứng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Cao Đông Vũ cho biết Viện cũng chú trọng công tác xây dựng nguồn nhân lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tích cực tham gia các hợp tác đa phương, điển hình là với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và hợp tác vùng Châu Á - Thái Bình Dương (RCA), tham gia hợp tác song phương với Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trong thời gian tới, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng: Tích cực tham gia Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hạt nhân với Lò phản ứng nghiên cứu mới; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận, vận hành an toàn, khai thác hiệu quả lò phản ứng mới đa mục tiêu công suất 10 MWt.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, Ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam tự hào vì tập hợp được một đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật đa ngành, được rèn luyện theo tác phong công nghiệp, từng bước làm chủ được một lĩnh vực khoa học tiên tiến, hiện đại, góp phần thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình giai đoạn đến năm 2020 và Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang tiếp tục giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ Khoa học và Công nghệ đang được giao nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hạt nhân với Lò nghiên cứu công suất cao, quy mô lớn hơn nhiều lần so với Lò Đà Lạt hiện nay, nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng hạt nhân cho quốc gia, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực khoa học công nghệ phục vụ cho việc tiếp thu, làm chủ công nghệ hạt nhân để có thể nội địa hóa từng phần lò hạt nhân nghiên cứu.
Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm và dịch vụ để khai thác hiệu quả Lò phản ứng nghiên cứu mới mà trước mắt là tham gia thực hiện Dự án với tinh thần trách nhiệm cao nhất, song song với việc tiếp tục đảm bảo vận hành an toàn và sử dụng hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đến năm 2033.
Một nhiệm vụ khác liên quan đến năng lượng nguyên tử mà Bộ đang khẩn trương thực hiện đó là sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008.