Theo logic thông thường, càng xa tâm Mặt trời, nhiệt độ càng phải giảm. Tuy nhiên, từ những năm 1940 đến nay, các nhà khoa học luôn đau đầu trước việc bầu khí quyển bên ngoài (tán nhật hoa) nóng hơn bề mặt Mặt trời đến 500 lần.
Cụ thể, bề mặt Mặt trời thường có nhiệt độ khoảng 6.000 độ C, trong khi bầu không khí bên trên có thể nóng đến 1 tới 3 triệu độ C.
Wired ngày 12/12 cho biết dựa vào hình ảnh thu được từ Máy chụp quang phổ Bề mặt chung Khu vực (IRIS), NASA đã giải thích được bí ẩn này.
Trước đây, giới nghiên cứu đã thống nhất rằng các tán nhật hoa có thể được đốt nóng bằng nhiều cách khác. Giả thiết thứ nhất là các sóng plasma từ Mặt trời sẽ di chuyển ra ngoài, đến các tán nhật hoa rồi phát nổ và sinh ra năng lượng. Plasma là dạng trạng thái thứ tư của vật chất (ngoài trạng thái lỏng, rắn và khí).
Một giả thiết khác là bom nhiệt, tức những vụ nổ xảy ra khi các trường từ tính bên trong tán nhật hoa va chạm nhau. Hình ảnh từ IRIS đã bổ sung bằng chứng cho giả thiết này.
"Hai khả năng này rất khác nhau nhưng lại rất khó để quan sát được những điểm khác biệt này", nhà nghiên cứu Bart De Pontieu của Trạm quan sát Thiên thể và Mặt trời Lockheed Martin, một nhóm nghiên cứu hợp tác chặt chẽ với NASA, cho hay.
IRIS giúp các nhà nghiên cứu theo dõi khu vực chuyển tiếp giữa bề mặt Mặt trời và các tán nhật hoa, nhiệt độ và sự di chuyển của các luồng khí gas ở đây. Các nhà đã thấy vật chất di chuyển lên xuống trong các trường từ tính ở những tán nhật hoa thấp.
Khi các trường này va chạm nhau, "bom nhiệt" phát nổ và sức nóng lan tỏa nhanh chóng ra các tán nhật hoa.
Các tán nhật hoa bên ngoài Mặt trời được ví như những "máy sinh nhiệt khổng lồ" và các nhà khoa học không loại trừ khả năng còn nhiều cơ chế sinh nhiệt khác khiến cho các tán nhật hoa nóng đến vậy.
IRIS là thiết bị quan sát Hệ Mặt trời được NASA đưa lên không gian vào năm 2013. Mục đích chính của IRIS là phục vụ việc nghiên cứu về nhiệt độ trong không gian.