1. Tấn công khủng bố tại Paris, phiến quân IS ngày càng 'lộng hành'
Phiến quân IS đã gây ra những vụ tấn công và giết con tin nhiều đến mức đáng báo động tại Trung Đông. Nhưng vụ khủng bố ngày 13/11 cướp đi sinh mạng của 130 người đã hoàn toàn đẩy kinh đô hoa lệ vào bóng tối, khi 10 tháng trước toàn thành phố đã bị rúng động bởi vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo. Những vụ khủng bố liên tiếp vào một trong những thủ đô được yêu thích nhất tại Châu Âu đã rộ lên làn sóng phản đối Hồi giáo, thúc đẩy cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ và dấy lên mối lo ngại của phương Tây rằng IS có thể tấn công vào bất cứ đâu.
2. Tỷ phú Donald Trump thống trị Đảng Cộng hòa
Hồi đầu năm nay, Jeb Bush được coi là ứng cử viên 'đắt giá' nhất của Đảng Cộng hòa, còn Donald Trump chỉ là một ông trùm trở thành một ngôi sao chương trình truyền hình thực tế. Đến giữa hè, số người ủng hộ Trump đã tăng vọt theo số liệu thống kê của một cuộc thăm dò, thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Mặc dù đã đưa ra một vài bình luận thái quá xúc phạm nhiều người, từ phụ nữ cho tới người theo đạo Hồi, Trump vẫn làm các chuyên gia bất ngờ với vị trí hiện tại của mình - ứng viên Đảng Cộng hòa tham gia cuộc chạy đua vào ghế Tổng thống năm 2016.
3. Khủng hoảng di dân nhấn chìm Châu Âu.
Hàng ngàn người di cư chạy khỏi vùng chiến sự Syria, Afghanistan và nhiều quốc gia khác và tìm tới miền đất hứa Châu Âu, đã khiến lục địa này phải đối mặt với nhiều thách thức và căng thẳng chưa từng có. Rất nhiều người tị nạn đã mất mạng chen lấn nhau trên tàu để vượt biển Địa Trung Hải, đỉnh điểm có lẽ là khi hình ảnh cậu bé Kurdi, 3 tuổi, người Syria trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ được lan truyền trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng.
4. Tình trạng xung đột sắc tộc và làn sóng bạo lực của cảnh sát tại Mỹ
Vụ việc cảnh sát bắn chết một người không có vũ khí tên Michael Brown tại Ferguson, Missouri xảy ra năm 2014 đã kích động phong trào Black Lives Matter. Năm 2015 cũng xảy ra nhiều vụ việc tương tự. Người dân tại Baltimore đã đổ ra đường biểu tình hồi tháng 4 sau cái chết của Freddie Gray do một chấn thương cột sống trong thời gian bị cảnh sát giam giữ. Những người biểu tình ở Chicago kêu gọi Thị trưởng Rahm Emanuel từ chứuc sau khi đoạn băng ghi hình cảnh sát bắn 16 phát vào một thiếu niên da đen được công bố. Những sự cố và các cuộc biểu tình chống lại sự tàn bạo của cảnh sát xảy ra trên khắp các bang Bắc Mỹ.
5. Cấm biểu tượng Confederate sau vụ thảm sát tại nhà thờ Charleston.
9 người Mỹ gốc Phi đã thiệt mạng sau vụ nổ súng tại nhà thờ Charleston, South Carolina, hồi tháng 6. Hung thủ là một người đàn ông da trắng muốn châm ngòi cuộc chiến phân biệt chủng tộc. Vụ nổ súng đã khơi lại cuộc tranh luận bấy lâu về biểu tượng Confederate của miền nam giải phóng nô lệ, mà nhiều người cho rằng đây là sự phân biệt chủng tộc. Cuối cùng giới chức đã loại bỏ cờ tại South Carolina, khuôn viên Ole Miss, New Orleans và nhiều địa điểm khác.
6. Vụ tai nạn máy bay Đức khiến 150 người thiệt mạng
Một máy bay chở khách của Đức đã rơi xuống dãy Alps, Pháp ngày 23/3 khiến 150 thiệt mạng. Ban đầu, các chuyên gia đổ lỗi cho phi công và trục trặc thiết bị. Nhưng sự thật còn rùng rợn hơn khi phi công Andreas Lubitz đã tự sát và khóa mình trong buồng lái, phớt lờ các thông điệp cảnh báo và cố tình đâm máy bay vào dãy núi. Vụ tai nạn đã khiến các hãng hàng không phải thay đổi chính sách và châm ngòi những tranh luận trên toàn cầu về việc theo dõi tình hình sức khỏe của phi công.
7. Thỏa thuận mang tính bước ngoặt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Hồi tháng 12, đại diện từ 195 quốc gia đã thông qua một thỏa thuận lịch sử từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải với mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Thỏa thuận đầu tiên về biến đổi khí hậu trên thế giới được hình thành khi các số liệu đã chỉ ra rằng năm 2015 là năm nóng nhất từ trước tới nay. Mặc dù nhiều người hoài nghi rằng thỏa thuận có thực sự được thực hiện một cách nghiêm túc, Tổng thống Obama cho rằng cần có "một bước ngoặt cho thế giới" và tiến hành những bước quan trọng trong dự án tái tạo năng lượng.
8. Xả súng hàng loạt dấy lên mối lo ngại khủng bố.
Trong vụ xả súng kinh hoàng nhất ở Mỹ trong 3 năm gần đây, một cặp vợ chồng đã trang bị vũ trang và khai hỏa vào ngày 2/12 tại một bữa tiệc ở San Bernardino, California, làm 14 người chết. Vụ tàn sát xảy ra tại Louisiana, Oregon, Colorado và nhiều bang khác, đã khơi lại một cuộc tranh luận về việc hạn chế quyền sử dụng vũ khí. Theo điều tra, những kẻ tấn công đã bị kích động bởi những lời lẽ tuyên truyền của IS, làm dấy lên mối lo ngại khủng bố IS và khủng bố trong nước.
9. NASA có phát hiện mới về Sao Diêm Vương và Sao Hỏa
Hồi tháng 7, phi thuyền Horizon của NASA đã đặt chân lên sao Diêm Vương, chụp ảnh và có một phát hiện đáng kinh ngạc: trên hành tinh này tồn tại một núi băng khổng lồ. Để tiếp cận hành tinh lùn nặng thứ 2 trong hệ mặt trời, tàu thăm dò đã phải mất tới 9 năm trải qua chặng đường 3,6 tỷ dặm. 2 tháng sau, NASA tuyên bố phát hiện nước lỏng trên Sao Hỏa, một bước đột phá tiềm năng để tìm kiếm sự sống ở một hành tinh khác ngoài Trái Đất.
10. Chiếc váy làm xôn xao cộng đồng mạng
Màu xanh da trời và đen? Hay màu trắng và vàng? Câu hỏi về màu chính xác của chiếc váy nghe có vẻ phù phiếm đã được đăng lên mạng xã hội Tumblr hồi tháng 2. Mọi người ngay lập tức chia thành 2 phe đối lập: xanh đen và trắng; hàng loạt bài viết phân tích về những yếu tố ảo ảnh và quang học để xác định màu sắc thật của chiếc váy cũng được đưa ra. "Chiếc váy" là một ví dụ điển hình về sức mạnh bí ẩn của mạng xã hội trong năm 2015.
Quỳnh Nguyễn (Theo CNN)