Theo khoản 1 Điều 601 Bộ luật dân sự 2015, nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Khoản 18 Điều 13 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự”. Trong trường hợp này, phương tiện xe ô tô đang chạy được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ.
Theo khoản 3 Điều 601 Bộ luật hình sự 2015, khi thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, chủ sở hữu, sử dụng, chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ những trường hợp sau đây:
“a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Về trách nhiệm hình sự, Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:
“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, bị phạt tù từ ba năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông…”.
Theo hướng dẫn bởi Khoản 4.1 Điều 4 Phần 1 Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự: “Gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự: a. Làm chết một người …”.
Như vậy, theo những quy định trên, trước hết cần phải xác định lỗi trong vụ tai nạn. Nếu tai nạn xảy ra do lỗi của bạn, bạn đã có hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ dẫn đến làm chết người, bạn hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 nêu trên.
Còn nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của nạn nhân; thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, bạn không phải bồi thường thiệt hại cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội