Theo đó, UBND huyện Cần Đước đã có quyết định công bố dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại xã Long Sơn. Trong đó, phân vùng dịch có dịch tại xã Long Sơn; vùng bị dịch uy hiếp tại các xã Long Cang, Long Hòa, Tân Trạch và Phước Vân; các xã còn lại trong huyện thuộc vùng đệm dịch.
Đồng thời, địa phương cũng đã ban hành kế hoạch chống dịch nhằm triển khai nhanh, đồng bộ các giải pháp chống dịch, không để dịch cúm gia cầm lây lan trên diện rộng. Theo kế hoạch này, các ngành chức năng, địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình chăn nuôi trên địa bàn.
Trong đó tập trung cao độ tại vùng có dịch, vùng bị uy hiếm nhằm phát hiện dịch bệnh để kịp thời xử lý. Trong vùng có dịch nếu phát hiện gia cầm có triệu chứng điển hình của bệnh cần tiến hành vận động bộ chăn nuôi tiêu hủy ngay toàn bộ số gia cầm.
Các địa phương khác nếu phát hiện cần tiêu hủy những con gia cầm đã chết và nuôi cách ly số còn lại để chờ kết quả xét nghiệm, nếu kết quả dương tính thì tiêu hủy hoàn toàn.
Bên cạnh đó, tỉnh Long An hỗ trợ miễn phí vắc xin tiêm phòng tại vùng dịch và vùng bị uy hiếp đối với các hộ chăn nuôi có quy mô tổng đàn từ 2.000 con trở xuống. UBND huyện Cần Đước yêu cầu các ngành chức năng tổ chức tiêm phòng đạt tỷ lệ trên 90% đối với vùng dịch; vùng bị uy hiếp đạt trên 80% số gia cầm thuộc diện tiêm.
Ngoài ra, các ngành chức năng phải phối hợp với địa phương tổ chức tiêu độc chuồng trại tại vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp thuộc huyện Cần Đước; lập chốt kiểm soát dịch bệnh trên các trục giao thông trên địa bàn xã Long Sơn.
Trước đó, ngày 21/12/2018, dịch cúm A/H5N1 xuất hiện trên đàn gà 400 con của ông Điền Văn Kiều (ấp 4, xã Long Sơn) nhưng chủ hộ không báo cho ngành thú ý mà tự mua thuốc về điều trị và dịch bệnh tiếp tục lây lan sang đàn vịt. Đến ngày 3/1, đàn vịt 5.500 con của bà Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Lệ Thủy, ấp 4 Long Sơn chết 3.600 con.
Khi đó, người dân báo cho ngành thú y để tiến hành lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, kết quả đàn vịt của bà Hồng và bà Thủy nhiễm cúm A/H5N1. Ngành chức năng đã phối hợp với địa phương, chủ hộ tiêu hủy toàn bộ sốgia cầm nhiễm bệnh.