Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố phía Nam, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình chia sẻ những kinh nghiệm thực tế tại địa phương về vấn đề này.
Các đại biểu tham dự đều thống nhất việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là thực sự cần thiết. Góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, các đại biểu nêu ý kiến tập trung vào 5 nội dung chính: Quy định về nguyên tắc lấy người bị bạo lực là trung tâm để xây dựng các quy định, bảo vệ người bị bạo lực; thảo luận, đề xuất, bổ sung về các hành vi bạo lực gia đình; quy định về hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; phát huy vai trò của các cấp hội trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; thực trạng việc tư vấn, hòa giải về phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở và giải pháp.
Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành gần 15 năm, qua quá trình thực hiện Luật còn nhiều bất cập. Việc sửa đổi luật lần này nhằm hoàn thiện, thể chế hóa hệ thống pháp luật. Luật được sửa đổi theo hướng bảo vệ quyền con người, quyền của các thành viên trong gia đình và quyền của nạn nhân bị bạo lực gia đình… Qua đó huy động được nhiều nguồn lực từ hệ thống chính trị, xã hội cũng như của gia đình nhằm hạn chế thiệt hại, giảm số vụ bạo lực gia đình để người dân xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, trong quá trình sửa đổi Luật này, phương pháp lấy nạn nhân làm trọng tâm được áp dụng. Đó là đặt các nhu cầu, ưu tiên nạn nhân bị bạo lực lên hàng đầu trong mọi tình huống ứng phó và xây dựng chính sách. Đặc biệt, nạn nhân bị bạo lực phải được đảm bảo những điều kiện như: Được đối xử tôn trọng; có toàn quyền tiếp cận với môi trường an toàn, hỗ trợ, không phán xét; có quyền tiếp cận thông tin thích hợp; được tạo điều kiện để đưa ra lựa chọn và quyết định sáng suốt; được hưởng quyền về sự riêng tư và bí mật.
Theo bà Naomi Kitahara, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để lồng ghép tất cả khuyến nghị từ các nghiên cứu trước đây cũng như đảm bảo các cam kết, tiêu chuẩn quốc tế về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái. Quốc hội dự kiến sẽ xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trong những ngày tới. Do đó, phiên họp lấy ý kiến hôm nay nhằm thảo luận sâu hơn từ góc độ của chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố phía Nam...
Đến nay, nhiều cuộc họp chuyên môn và hội thảo lấy ý kiến liên quan đến Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được tổ chức. Luật sửa đổi gồm 6 chương, 62 điều với 24 điều mới và 38 điều bổ sung. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 10/2022.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết, tỉnh đã triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình bằng việc ban hành các chương trình, kế hoạch, xây dựng các mô hình can thiệp, xử lý tại cơ sở. Sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bao lực gia đình, góp phần bảo vệ nạn nhân của tình trạng này, xử lý các hành vi, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Nhiều mô hình về phòng, chống bạo lực gia đình được thành lập. Đến nay, toàn tỉnh có 298 câu lạc bộ gia đình, 320 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, phức tạp ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.
Hội nghị góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng bởi sẽ được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội. Tại Hội nghị này, chính quyền các địa phương phía Nam chia sẻ suy nghĩ, đóng góp ý kiến nhằm đảm bảo các nội dung sửa đổi phản ánh đầy đủ kinh nghiệm thực tiễn của các cơ quan này trong giải quyết bạo lực gia đình và bạo lực đối với phụ nữ.
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong giai đoạn 2009 – 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình tại các địa phương trên cả nước là 324.641 vụ. Số vụ bạo lực gia đình giảm dần qua các năm: năm 2009 là 53.206 vụ, năm 2015 giảm xuống còn 19.274 vụ, năm 2021 gần 5.000 vụ.
Nghiên cứu quốc gia do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc hỗ trợ về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy có rất ít thay đổi về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ sau 10 năm, kể từ nghiên cứu đầu tiên vào năm 2010. Đặc biệt, 62,9% phụ nữ ở Việt Nam từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong cuộc đời, bao gồm bạo lực về thể chất, kinh tế, tình cảm và tình dục cũng như các hành vi kiểm soát. Ngoài ra, 90,4% nạn nhân bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính quyền, trong khi một nửa trong số họ chưa bao giờ nói với ai về vấn đề bạo lực.
Hội nghị góp ý kéo dài 3 ngày, các đại biểu tiếp tục góp ý sâu vào các Chương của Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).