Trước hết là với xương của mỗi phi hành gia. Lực hấp dẫn liên tục thách thức bộ xương của bạn vì hệ xương cần chống lại trọng lực để giữ cho cơ thể phi hành gia đứng thẳng trong vũ trụ. Sống trong môi trường thấp hoặc không trọng lực có thể ảnh hưởng không nhỏ đến bộ xương mỗi người. Trong một khoảng thời gian dài, nhiều tháng hoặc nhiều năm phải sống ở vũ trụ, lực hấp dẫn trong không gian sẽ “bào mòn”, làm giảm khối lượng xương của bạn, đó là lý do tại sao các phi hành gia cần phải chăm sóc đặc biệt để giữ cho xương của họ khỏe mạnh.
Chưa hết, cả những canxi lọc từ xương của con người có thể “chạy” nhanh đến thận, làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Sống trong môi trường trọng lực thấp ảnh hưởng rất lớn đến cơ bắp của phi hành gia, vì vậy đôi lúc cơ thể của các phi hành gia có thể cảm thấy mất cân bằng và cảm thấy khó chịu khi quay trở lại Trái đất, với nhịp sống bình thường.
Đến hôm nay, các nhà khoa học lại phát hiện thêm rằng trái tim của con người khi ở trong không gian cũng sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều từ môi trường vũ trụ. Thời gian trong không gian dẫn đến những thay đổi di truyền trong trái tim. Các nhà khoa học trước đây đều biết rằng việc bay vào không gian rất khó khăn với trái tim của con người. Không gian bên ngoài có xu hướng làm giảm huyết áp, trong khi cơ thể mất nước dẫn đến lượng máu giảm đột ngột. Nó cũng làm tăng lượng máu được bơm qua các mạch theo từng nhịp tim, nghĩa là tăng áp lực cho cơ tim phải làm việc hết công suất.
Các phi hành gia được tiếp xúc bức xạ trong một số nhiệm vụ có thể khiến sức khỏe trái tim suy giảm. Bức xạ gây ra huyết áp cao - còn được gọi là tăng huyết áp - ngăn chặn các mạch máu trong cơ thể “thư giãn”. Vì vậy, về tổng thể, không có gì đáng ngạc nhiên khi các phi hành gia có nhiều khả năng tử vong vì bệnh tim hơn nhiều so với mọi người làm các công việc khác.
Một trong những bước đầu tiên để ngăn chặn những rủi ro về tim mạch của các phi hành gia là hiểu về sức khỏe của mình ngay từ đầu. Và đó chính xác là những gì một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đặt ra. Đầu tiên, các nhà nghiên cứu lấy máu từ các đối tượng thử nghiệm khỏe mạnh, những người không có tiền sử bệnh tim mạch. Sau đó, họ “nuôi” một số tế bào máu phát triển thành tế bào tim. Cuối cùng, họ gửi một nửa số tế bào tim vào không gian trong khoảng sáu tuần và giữ phần còn lại của các tế bào trên Trái đất để làm phép so sánh.
Kết thấy thu được, thời gian trong không gian đã thay đổi đáng kể tế bào tim. Việc du hành không gian đã thay đổi hoạt động của hơn 3.000 gen trong các tế bào tim và nhiều thay đổi trong số đó đã bị đảo ngược khi các tế bào quay trở lại Trái đất. Tuy nhiên vẫn có khoảng 1.000 gen hoạt động bất thường (hoặc không hoạt động) sau 10 ngày trên Trái đất.
Mặc dù hiện tại chưa khẳng định được gen nào trong số những gen hoạt động ít hay không hoạt động nữa là quan trọng, hoặc chưa thể kết luận chính xác những thay đổi gen đó ảnh hưởng đến trái tim của phi hành gia ở mức độ phân tử ra sao, nhưng phát hiện này vẫn là một bước đi đầy hứa hẹn để hiểu rõ hơn về sức khỏe phi hành gia, góp phần bảo vệ trái tim phi hành gia. Khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu được rõ về những thay đổi di truyền xảy ra trong không gian, họ có thể nghiên cứu phát triển các loại thuốc hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn để giảm thiểu những thay đổi mà vũ trụ tác động lên sức khỏe con người.