"Mười năm trước, 90% các tác phẩm xuất sắc đều ở Mỹ", Pascal Breton, người sáng lập công ty Federation Entertainment cho biết. "Vẫn có một số tác phẩm tốt ở các khu vực khác nhau, nhưng chúng không có độ lan tỏa như hiện tại".
Nhờ có sự phát triển của internet, sự gia tăng của các mạng lưới truyền hình cáp, dẫn đầu là HBO, đã thúc đẩy các studio ở nước ngoài đặt cược vào các loạt phim truyền hình dài tập.
Khởi đầu là "Spiral" (tên tiếng Pháp là "Engrenages"), "Carlos" hoặc "Braquo", tất cả đều được sản xuất cho đài Canal +, đây là những series gây tiếng vang không chỉ trong lãnh thổ châu Âu mà còn được khán giả tại Bắc Mỹ ưa thích.
Theo sau đó là series phim chính trị của Đan Mạch "Borgen" hay đáng chú ý là "Sherlock" của Anh đã khiến nhiều nhà đài của Mỹ mua lại bản quyền phát sóng.
Luca Barra - người nghiên cứu các chương trình truyền hình châu Âu, cho biết các nhà đài ở "cựu lục địa" ngày càng có tư tưởng cởi mở và không tiếc tiền đầu tư cho các sản phẩm của mình có tầm cỡ ngang các bộ phim chiếu rạp.
"Các đài truyền hình dần nhận ra các chương trình cao cấp của họ không chỉ sinh lời ở thị trường nội địa, mà còn là một thứ hấp dẫn ở các thị trường khác. Sự cải biến trong tâm lý này đã tạo đà thuận lợi cho sự phát triển của các công ty sản xuất chương trình xuyên quốc gia", ông Barra chỉ ra.
Đồng thời, sự bùng nổ về số lượng kênh và nền tảng số đã tạo ra "cơn nghiện" các tác phẩm truyền hình của khán giả toàn cầu, đồng thời xác định lại khái niệm thành công.
“Điều mà 10 năm trước bị coi là thất bại thì bây giờ có thể dễ dàng trở thành thành công,” ông Barra nói.
Sự xuất hiện của các nền tảng quốc tế, chủ yếu là Netflix và gần đây là Amazon Prime Video và Disney +, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu theo dõi các nội dung sáng tạo.
Nhằm tăng cường sức ảnh hưởng của mình, Netflix cũng đã thiết lập phụ đề cho tất cả các sản phẩm và lồng tiếng cho nhiều bộ phim, điều này khiến một loạt phim dù không nói tiếng Anh như "Lupin" vẫn đứng đầu bảng xếp hạng thịnh hành toàn cầu.
Tái cân bằng
Để có được chỗ đứng ở nước ngoài, các nền tảng số của Mỹ đã chi tiền để sản xuất nội dung ở một số quốc gia, thông qua các nhà sản xuất có trụ sở tại đó, đơn cử như Hàn Quốc hay châu Âu/
Ông Pascal Breton thừa nhận rằng trong bối cảnh mới mẻ này, người Mỹ "vẫn chiếm ưu thế, nhưng sẽ sớm có một sự tái cân bằng" trong thị trường sáng tạo nội dung truyền hình.
Cheyenne Federation, các công ty đứng sau những series nói tiếng Pháp nổi tiếng như "The Bureau" và "Marseille," hiện đang thực hiện một loạt phim về vụ cháy nhà thờ Đức Bà, dự kiến ra mắt vào năm 2022, với kinh phí tương đương của "Lupin".
Theo chân các sản phẩm nói tiếng Anh, nhiều chương trình truyền hình ngày càng mang tính quốc tế nhiều hơn.
"Các tác phẩm hiện tại đều có khả năng tiếp cận khán giả quốc tế, dù ở đâu thì các câu chuyện về tội phạm ở Ý như 'Gomorrah' hoặc ở Colombia/Mexico với 'Narcos' đều rất cuốn hút người xem", ông Breton nhận định.