Các nhà khoa học phát hiện rằng các hạt bụi nhỏ và muội từ việc đốt phân, gỗ và rác tại khu vực xung quanh đang bám vào bề mặt của ngôi đền nổi tiếng Taj Mahal ở Agra, Ấn Độ.
Khói bụi ô nhiễm khiến Taj Mahal dần nhem nhuốc |
Khi bám vào bề mặt cẩm thạch của ngôi đền, các hạt bụi và muội hấp thu ánh sáng tia cực tím, khiến màu trắng đặc trưng của ngôi đền biến thành màu nâu bẩn nhem nhuốc. Lớp bụi này rất khó tẩy rửa vì chúng không hòa tan trong nước.
Giải pháp hiện tại của các nhà phục chế là bao phủ bề mặt các phiến đá cẩm thạch của ngôi đền bằng một lớp đất sét trước khi bóc lớp đất sét này để phục hội lại màu trắng cho ngôi đền. Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc Viện công nghệ Georgia ở Atlanta (Mỹ) cho biết nghiên cứu mới của họ có thể giúp bảo vệ màu gốc của ngôi đền hiệu quả hơn.
Các nhà khoa học đang cố gắng phục chế vẻ đẹp của đền |
“Có một số lo ngại về ảnh hưởng lâu dài của phương pháp làm sạch bề mặt ngôi đền Taj Mahal như hiện này. Cách duy nhất để ngăn chặn ngôi đền đổi màu là tìm ra những nguồn gây ra bụi bẩn và cách giảm khí thải một cách căn bản”, Giáo sư Mike Bergin, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.
Giáo sư Bergin bắt đầu quan tâm tới vấn đề đổi màu của ngôi đền Taj Mahal sau khi ông xem các công nhân phủ một lớp ‘mặt nạ’ đất sét lên phần mái vòm của ngôi đền. Ban đầu, mưa axít và khí lưu huỳnh trong không khí và quá trình ôxy hóa được cho là những yếu tố chính làm ngôi đền 460 năm tuổi bị đổi màu.
Năm 1983, ngôi đền Taj Mahal được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và chính phủ Ấn Độ đã thiết lập một khu vực hạn chế lượng khí thải công nghiệp rộng 10.000 km2 quanh ngôi đền. Tuy nhiên, ngôi đền vẫn tiếp tục bị đổi màu và lúc đó các nguyên nhân khác được đưa ra.
Màu trắng gốc của ngôi đền Taj Mahal |
Vẻ đẹp của Taj Mahal - Ngôi đền tình yêu |
Để phát hiện thủ phạm khiến ngôi đền Taj Mahal đổi màu, Giáo sư Bergin và các cộng sự đã đặt các khối đá cẩm thạch quanh ngôi đền này trong vòng 1 năm. Sau đó, họ phân tích các hạt bám trên bề mặt của khối đá và so sánh chúng tới mẫu không khí lấy tại khu vực xung quanh ngôi đền.
Họ phát hiện hàm lượng cao carbon hữu cơ hấp thụ ánh sáng hay còn gọi là carbon nâu, bụi và carbon đen. Những chất này không tan trong nước, đồng nghĩa chúng không thể bị rửa sạch một cách dễ dàng. Bằng cách đo lượng ánh sáng và lớp bụi phản chiếu, các nhà khoa học đã tìm ra thủ phạm làm ngôi đền thay đổi màu.
“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng carbon và bụi từ việc đốt nguyên liệu hóa thạch và phân là nguyên nhân làm mất màu bề mặt của ngôi đền Taj Mahal”, Giáo sư Bergin kết luận. Ông cho rằng biện pháp cắt giảm vật liệu hữu cơ và mật độ giao thông quanh ngôi đền Taj Mahal có thể giúp bảo vệ màu gốc của ngôi đền.