1. Lối dẫn đến chỗ đặt viên đá ngập đầy cỏ, dấu hiệu của sự thiếu vắng bước chân người lại qua trong thời gian dài, tôi đi theo triền núi, mà nhiều ngổn ngang. Từng cơn gió ngoài biển Đông, như thốc vào lòng những hoài niệm, như thổi bùng lên trong tâm khảm đôi điều tiếc nuối. Là ngược về thời gian của 6 năm về trước, chính xác là ngày 17/1/2016, khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng chính quyền địa phương làm lễ đặt viên đá khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa với trung tâm là tượng đài Người mẹ thắp lửa.
Bữa ấy, lòng người từ khắp miền Bắc - Trung - Nam gặp gỡ tại Lý Sơn, rồi choàng vai nhau trong sướng vui, trong ai cũng dâng lên cảm xúc nghẹn ngào, khi viên đá đầu tiên được đặt xuống nơi sẽ xây dựng khu tưởng niệm. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi ấy là ông Đặng Ngọc Tùng, khi nói về công trình, đã dành rất nhiều nghẹn ngào về bức tượng tạc dáng người mẹ đứng nhìn ra biển, tay phải cầm ngọn đèn dầu mù u bằng chai thủy tinh để ngang ngực. Nhìn viên đá đầu tiên có dòng chữ “Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa - Việt Nam, đầu tiên” được kính cẩn đặt xuông, bất kỳ ai chứng kiến thời khắc ấy, cũng đều mong sớm ngày quay lại nơi này, khi khu tưởng niệm được hoàn thành.
Nhoáng cái 6 năm trôi qua. Không biết những người ngày hôm ấy có còn nhớ gì không, nhưng rất nhiều người dân Lý Sơn, như muốn giật mình khi được hỏi về khu tượng đài này. Đôi lúc, họ lầm nhớ về nhà trưng bày. “Nhưng nhà trưng bày là khác mà chị. Nhà này có lâu rồi, gần chỗ ủy ban huyện”, tôi nói rõ hơn. “À đúng rồi, cái nhà trưng bày thì ở đó, còn cái khu tưởng niệm thì trên nóc chùa Hang”, chị Tuyền vừa nhổ cỏ hành, vừa “chữa thẹn” với tôi như vậy.
“Hồi đặt viên đá thấy rầm rộ lắm, nhưng sau đó không thấy cục cựa (động đậy, động tĩnh-PV) gì. Tụi tui lo làm ăn miết, rồi cũng có nhớ gì đâu”, chị Tuyền tiếp tục. Trong khi người dân Lý Sơn cặm cụi với công cuộc mưu sinh của mình, thì theo thời gian, màu của viên đá đầu tiên dần bạc thếch. Trước gió biển, mọi thứ như dân bị bào mòn, chỉ có lòng người Lý Sơn là mãi luôn bái vọng tiền nhân. Càng bái vọng tiền nhân, lại nhắc chuyện khu tưởng niệm, lòng họ ngập đầy tiếng thở dài!
2. Trước viên đá, tôi ngồi rất lâu với những mơ hồ thỉnh thoảng, không còn thấy những cát. Sáu chậu cát đặt nơi viên đá, là cát từ Hoàng Sa, được mang về bởi những ngư dân Lý Sơn. Hơn chục năm trước, mấy bận uống rượu với “sói biển” Mai Phụng Lưu, lần nào ông cũng say sưa kể chuyện hai cha con lấy cát ở Hoàng Sa. Cha con ông bị Trung Quốc bắt nhiều, đánh nhiều, yêu cầu tiền chuộc cũng nhiều. Nhưng ông thích kể về chuyện lấy cát từ Hoàng Sa hơn. Mà bẵng đi thời gian dài, ông gần như mất hút.
Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa có kinh phí dự kiến khoảng 70 tỷ đồng, từ nguồn vận động cả nước, sau 6 năm vẫn chỉ vẻn vẹn có một viên đá, hẳn nhiên sẽ có nhiều dấu hỏi xung quanh. Đâu là nguyên nhân, chỉ có những người cầm trịch công cuộc này mới hiểu, còn lại, đâu đó cũng chỉ là những xầm xì về vốn không đủ, vị trí không hợp lí,…
Tôi quan tâm nhiều hơn về câu chuyện vị trí, bởi nhiều năm trước khi diễn ra buổi lễ đặt viên đá, tôi đã dò hỏi các bô lão trên huyện, hầu như không ai đồng ý với vị trí này. “Góc đó phía Bắc của đảo. Mà theo phong thủy, đó là phía không được đẹp. Tại sao không đặt ở hướng nam hay hướng đông?”, tôi nhớ lời cụ Dương Quỳnh. Ông Quỳnh chính là người dịch tờ lệnh đầu tiên của nhà Nguyễn sai đội hùng binh đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Sau này, ông Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi đã không ngớt lời khen bản dịch của cụ giáo Quỳnh, và ông Vũ đã tham khảo bản dịch này để làm nên bản dịch hoàn chỉnh mà truyền thông có một thời đưa tin.
Một người khác am hiểu về lịch sử, văn hóa Lý Sơn là ông Phạm Thoại Tuyền, như đồng quan điểm với cụ Quỳnh, và nhiều năm trước, ông Tuyền cho rằng khu tưởng niệm nên làm cùng nơi với nhà trưng bày. Nghĩa là mở rộng, biến nhà trưng bày thành khu tưởng niệm, trong khu tưởng niệm có nhà trưng bày, có tượng người mẹ thắp lửa,… Đây là trung tâm của Lý Sơn, sẽ thuận tiện cho người dân và du khách đến bái vọng hơn rất nhiêu.
3. Tôi không rõ có sự tham vân ý kiến các vị bô lão trên đảo Lý Sơn trước khi chọn nơi và đặt viên đá đầu tiên hay không, nhưng tôi chắc chắn rằng hai điều đó đã không… khớp với nhau. Ông Quỳnh và tôi đã không thể gặp nhau để hỏi lại chuyện đó. Còn ông Tuyền, thì vẫn đau đáu về khu tưởng niệm, người đàn ông gần như dành cả cuộc đời mình cho những trang, những dòng sử về chủ quyền biển đảo, không ngày nào là không đau đáu sợ lớp sau quên quá khứ hào hùng của các bậc tiền nhân.
Như viên đá nơi triền núi trên đỉnh Thới Lới, vẫn lặng nghiêng với một cuộc chờ…