1. Phải rất lâu rồi tôi mới “cố tình” gặp lại ông Võ Văn Nhành, khi ông vừa đi cúng về. Người đàn ông này, đã tiếp nối cha mình, là ông Võ Văn Toại, cái ngón nghề làm hình nhân. Đều đặn như vắt tranh, hễ cứ đến dịp Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, là ông Nhành cần mẩn làm hình nhân để đặt vào những chiếc thuyền thả ra biển - một nghi thức khép lại, nhưng rất quan trọng của nghĩa cử bái vọng tiền nhân này.
Người dân Lý Sơn lâu nay vẫn nói vui rằng, từ ông Toại cho đến ông Nhành, cả hai cha con đều “sở hữu một cái nghề” mà càng ế càng… vui. Mà cái vui ấy, đâu chỉ riêng cha con ông Nhành, mà cũng là của bất kỳ người nào trên đảo Lý Sơn. Bởi, việc làm hình nhân thế mạng, chỉ thực hiện khi “rơi” vào một trong hai trường hợp: làm hình nhân thay thế cho người đi biển chẳng may bị mất mà không tìm thấy xác; và, làm hình nhân cho lễ khao lề. “Niềm vui” mà tôi nhắc ở trên, rơi vào trường hợp thứ nhất. “Làm sao có thể vui trước sự mất mát, trước nỗi đau của người khác?”, tôi nhớ lời ông Nhành hỏi ngược tôi.
Vị pháp sư này bảo rằng nghề làm hinh nhân rất “kén” người làm, phải có đủ tam thiên gồm Nhứt sắc, Chí oai và Thiên tướng. Ngoài ra, pháp sư cần phải am tường và theo “giới luật” khi tiến hành làm hình nhân thế mạng. Nếu không, dù có hoàn thành hình nhân đi chăng nữa cũng không hiệu nghiệm. Đó chính là lý do vì sao có nhiều người theo học nghề này nhưng đều bỏ cuộc. Và ông Nhành, là truyền nhân duy nhất và cuối cùng của chính cha ông, là ông Võ Văn Toại.
Tục nặn hình nhân vốn có từ hàng trăm năm trước, khi những binh phu giong thuyền đi Hoàng Sa chẳng may nằm lại vĩnh viễn nơi biển mẹ. Hình nhân trong các ngôi mộ chiêu hồn chính là sự tri ân những binh phu trong công cuộc mở cõi. Sau này, những ngư dân hay người chết ở biển không tìm thấy xác cũng được làm hình nhân.
Ông Nhành làm thuyền để thả trong lễ khao lề. |
Thật ra, việc làm hình nhân hay một số vật phẩm để làm lễ không mất quá nhiều thời gian, nhưng công việc chuẩn bị thì ngược lại”, ông Nhành cho hay. Theo ông Nhành, trước khi làm hình nhân, pháp sư (người nặn hình nhân - PV) phải nắm đầy đủ và chính xác lai lịch của người đã mất. Tiếp đến, pháp sư xem ngày lành tháng tốt mới bắt đầu thực hiện. Để làm hình nhân cần phải có những nguyên liệu chính như đất sét, dâu tằm, giấy bạc, chỉ tơ, than cây sầu đông... Đất sét phải lấy ở dòng (thung lũng) của núi Giếng Tiền; dâu tằm phải là cây một nhánh mà người dân Lý Sơn thường gọi “dâu tằm cô đơn”, nếu cây nảy nhánh, coi như mất thiêng.
Khi đã có đủ nguyên liệu, ông Nhành bắt đầu lập đàn để tế, chiêu hồn và nặn hình nhân. Đất sét trước khi nặn phải được giã thật nhuyễn với khối lượng khoảng 30kg. Sau khi có đất sét nhuyễn, anh bắt tay vào nặn sao cho giống với người quá cố trong ảnh. Đất sét nặn nên hình hài, thân cây dâu tằm dùng làm các bộ phận như xương sườn, xương sống, xương vai, xương đùi… và các ngón chân, ngón tay. Riêng xương sườn phải thuận theo quy tắc nam 7 đốt, nữ 9 đốt. Gan và phổi được làm từ than của cây sầu đông; trong khi đó, ruột và gân sẽ được làm từ chỉ tơ. Sau khi xong các bộ phận, anh Nhành sẽ chỉnh chu lại bên ngoài, dùng tăm từ cây dâu tằm để vẽ mắt, mũi... Tổng thể hình nhân dài khoảng một mét.
Anh Nhành còn cho biết, nên hoàn thành hình nhân trong vòng 2 tiếng đồng hồ rồi gọi hồn cho hình nhân. Sau đó, “bàn giao” lại cho gia chủ và chọn ngày làm giỗ người quá cố. Đặc biệt, tất cả các khâu trên phải do pháp sư thực hiện.
2. Tôi “bỏ mặc” ông Nhành với những ưu tư về người kế nhiệm, để tìm đến người đàn bà hát ru Hoàng Sa, bà Đỗ Thị Hảo. Hỏi rằng Lý Sơn chỉ có mỗi bà Hảo biết hát ru về Hoàng Sa? Không hẳn! Nhưng biết nhiều, hát hay, giàu cảm xúc,… là những thứ mà bà Hảo đã khẳng định được… “thương hiệu”. Là từ những tháng ngày còn trẻ, bà chịu khó đi sâu vào từng đối tượng, xông xáo trong các hoạt động văn nghệ tuyên truyền. Theo thời gian, bà trở thành “cây” văn nghệ chính của xã, huyện lúc nào không hay. Từ đó, duyên đưa phận đẩy, bà đến với ca dao, dân ca, nhất là về Hoàng Sa - Trường Sa. Để đến bây giờ, bà là người duy nhất thuộc nhiều và hát hay về những câu ca Hoàng Sa - Trường Sa.
Bà hát như hát ru, như nằm võng chăm con, ru cháu. Những lời ru ấy quyện vào tiếng biển, nơi cha ông đã giong thuyền đi Hoàng Sa - Trường Sa: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng Ba có lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”. Rồi những lời ru ấy, vọng về ngày hôm nay, nơi có biết bao người mẹ, người vợ, con cái mong ngóng bóng dáng thân quen trở về sau chuyến mưu sinh ở biển trời quê hương.
Người hát ru Hoàng Sa, bà Đỗ Thị Hảo. |
Biết bà Hảo thuộc nhiều ca dao, dân ca về Hoàng Sa - Trường Sa, ban đầu người ta đến nhà để nghe bà hát rồi ghi hình, ghi âm, sau đó nhờ bà diễn xuất. Bà hát tự nhiên như tiếng biển rì rào, không diễn xuất, cầu kỳ và được “phong” nghệ nhân lúc nào không hay. Bà Hảo nói: “Tui hát với mong muốn được giữ hồn cho quê hương, để lớp trẻ sau này còn thấy được cái hào hùng của đội Hùng binh Hoàng Sa năm xưa”. Nói xong, bà cất giọng: “Ân đức xây dựng miền đảo Lý/ Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa…; Con ơi con ngủ cho ngay/ Để mẹ nấu cháo luộc rau cha dùng/ Ốc u đã thổi lên rồi/ Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa/ Hoàng Sa là của nước ta…”.
Quá nửa đời người hát ru, bà nhớ nhất là khi hát cho cho ông Hồ Cương Quyết (tên Pháp là André Menras) nghe để thực hiện bộ phim “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát”. Sau đó, mỗi dịp ra Lý Sơn ông Hồ Cương Quyết cũng đều đến thăm hỏi bà. Cũng từ những câu ca này mà bà thấy mình cần phải có trách nhiệm với quê hương. “Mỗi người có cách đóng góp riêng của mình cho quê hương, với tôi, hát là một cách kéo lớp trẻ về với biển”, bà Hảo tâm sự.
Rồi bà thoáng buồn, bởi ở tuổi thất thập mà vẫn chưa trao gửi tâm huyết được cho lớp kế cận. Sau này, còn ai hát những câu bi hùng, còn ai hát về dải cát vàng lấp lánh, còn ai hát về biển mẹ bao la.
Hai trở trăn cứ lớn dần theo thời gian, mà thời gian của người trót sự đa mang thì mỗi ngày lại vơi đi, rất nhiều!