Các cụ cao tuổi cho biết, mâm cỗ cúng Giao thừa thường được tiến hành vào giờ chính Tí, tức 12 giờ đêm ngày 30 tháng Chạp của năm cũ. Theo dân gian, lễ Giao thừa là thời điểm tiễn các vị thần năm cũ đi và nghênh đón các vị thần cai quản năm mới về. Đây chính là tập tục đẹp của người Việt thể hiện sự tri ân báo đức cũng như bày tỏ lòng mong ước được gia hộ cho bình an, hạnh phúc và ấm no.
Mâm cỗ cúng Giao thừa. Ảnh: Vietnamnet
Mâm cỗ cúng đêm Giao thừa gồm có: Hương, đăng, trà, nước.
- Đăng là 2 cây đèn hoặc 2 cây nến để tượng trưng cho mặt Trăng, mặt Trời.
- Nước phải là nước trong, nước sạch hoặc có thể dùng một chút rượu.
- Bên cạnh đó, cần có thêm thịt lợn hoặc thịt gà. Tuy nhiên, trong văn hóa truyền thống của người Việt, người ta vẫn dùng gà trống với chiếc mào lớn để cúng. Người Việt quan niệm gà trống là biểu tượng của ngũ đức: Văn, võ, dũng, nhân, tín. Bông hoa hồng đỏ trên miệng gà là hình ảnh tượng trưng cho mặt Trời.
- Có thể đặt vào mâm lễ những sản vật khác như xôi, bánh chưng, bánh kẹo, mứt, hoa tươi…
Mâm cỗ cúng Giao thừa tại các vùng miền có đôi chút khác nhau. Tại miền Bắc, mâm cỗ thường khá đầy đủ và phong phú các món ăn. Trong đó, gà luộc không thể thiếu trong mâm cỗ mặn và gà cúng Giao thừa thường phải là gà trống ngậm hoa hồng. Bên cạnh xôi, gà hoặc thủ lợn, người Bắc cúng Giao thừa cùng bánh chưng, mứt, trầu, cau, rượu, nước, vàng mã và cả hoa quả.
Còn ở miền Nam, mâm cỗ Giao thừa đơn giản hơn với đĩa ngũ quả (đủ 5 loại quả), hoa (có thể là hoa trang hoặc vạn thọ, sống đời), hai cây đèn cầy (nến), lư hương, giấy tiền vàng bạc và một trái dừa tươi đã chặt sẵn. Nếu đầy đủ và đúng hơn thì mâm lễ mặn phải có thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng, chè... tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà.
Vào đúng thời điểm Giao thừa, người chủ gia đình phải thắp đèn, nến, rót rượu, rồi khấn vái trước án.
Còn mâm cỗ Giao thừa miền Trung cũng không thể thiếu gà, bánh chưng và bánh nếp cùng hương trầm. Có nhiều gia đình làm đơn giản hơn là mâm xôi và gà luộc cùng những chén rượu để tiễn năm cũ qua đi và đón năm mới với hi vọng về sự may mắn và sung túc.
Ngoài việc sửa soạn mâm cơm cúng Giao thừa ngoài trời nhiều nhà còn sửa soạn mâm cơm cúng trong nhà để mời tổ tiên ông bà về cùng ăn Tết với gia đình.
Lễ vật cúng trong nhà cũng tương tự như làm cỗ cúng ngoài sân. Người ta vẫn phải sửa soạn đầy đủ hương, đăng, trà, quả và một mâm cúng các món ăn, có thể là món mặn hoặc món chay. Ngày nay, nhiều nhà thường chuẩn bị lễ cúng trong nhà này vào ban ngày, đặc biệt vào buổi trưa để việc chuẩn bị được đầy đủ, không bị thiếu sót.
Lưu ý khi sắp xếp đồ cúng - Nên đặt chiếc bàn con bên dưới ban thờ. Không nên bày mâm cỗ ngay trên ban thờ, vừa gây chật chội vừa mất sự tôn nghiêm của ban thờ. Trên ban thờ chỉ đặt hoa, trái cây, một ít tiền vàng mã tượng trưng. Có thể đặt thêm bánh chưng, xôi chè lên ban thờ chính. - Mâm ngũ quả cúng gia tiền nên chọn các loại quả thông dụng, đẹp mắt, có độ bóng, vừa đủ chín. Tránh bày hoa quả nhựa hay trái cây quá xanh. Mâm ngũ quả phải dặt ở hai bên để bát hương lộ ra mới đón được trục khí chính. - Hơn nữa, các loại cành vàng lá ngọc cũng không nên đặt trên ban thờ bởi chúng có chứa trường khí âm bất lợi. Đặc biệt, nên bày một hai loại hoa tươi trên ban thờ bởi nếu cắm quá nhiều hoa sẽ làm giảm đi sự thanh thoát và gây ra sự lòe loẹt, không trang nghiêm cho nơi thờ tự. |
P.V