Kế hoạch doanh thu 100.000 tỷ đồng vừa được Tập đoàn Masan (MSN) thông qua tại phiên họp thường niên sáng nay. Trong kịch bản thận trọng hơn, mục tiêu này giảm còn 90.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến dao động 4.000-5.000 tỷ đồng.
Đây là năm thứ ba liên tiếp Masan công bố kế hoạch doanh thu trên 100.000 tỷ đồng. Lần đầu tiên vào năm 2021, công ty đặt mục tiêu 102.000 tỷ đồng nhưng thực tế đạt xấp xỉ 90.000 tỷ đồng. Công ty đề ra mục tiêu tương tự cho năm 2022 và kết quả chỉ đạt khoảng 76.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho rằng có nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh chưa như mong đợi là không còn doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi (do đã chuyển nhượng) và người dân thắt chặt chi tiêu thay vì tích trữ hàng như giai đoạn cao điểm dịch bệnh.
Tại phiên họp sáng nay, Tổng giám đốc Masan Danny Le cho biết ông tự tin với khả năng hoàn thành kế hoạch bởi năm nay là khởi đầu cho giai đoạn tăng tốc sau khi tái cơ cấu WinCommerce - đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng WinMart+ và siêu thị WinMart.
Theo ông Danny, Masan đang làm tốt việc mở rộng mạng lưới cửa hàng, xây dựng chương trình hội viên để giữ chân khách và ứng dụng công nghệ, dữ liệu người dùng để tối ưu trải nghiệm mua sắm. Chuỗi này dự kiến mở mới 800-1.200 cửa hàng năm nay để thúc đẩy doanh số, đồng thời cải thiện biên lợi nhuận bằng cách phát triển nhãn hàng riêng và đầu tư cho ngành hàng thực phẩm tươi sống.
Ông Danny nói rằng Masan đã tìm ra công thức để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Công ty sẽ tập trung vào ba đầu việc lớn là tăng trưởng mạng lưới bán lẻ hiện đại lẫn kết hợp với cửa hàng tạp hoá truyền thống, tăng trưởng khách hàng thân thiết, tăng trưởng thị phần chi tiêu thông qua các dịch vụ cộng thêm và bán chéo sản phẩm. Công ty cũng thành lập một công ty hậu cần để tối ưu chi phí cho hoạt động giao nhận hàng hoá.
Động lực tăng trưởng doanh thu, theo lãnh đạo Masan, còn đến từ Phúc Long. Masan đang sở hữu 85% vốn Phúc Long và ghi nhận doanh thu năm ngoái gần 1.600 tỷ đồng. Phúc Long năm nay dự kiến đóng góp 2.500-3.000 tỷ đồng vào tổng doanh thu, tăng trưởng 58-90% so với cùng kỳ nhờ mở khoảng 90 cửa hàng và trở thành chuỗi thức uống đứng thứ hai thị trường về số lượng điểm bán.
Ban lãnh đạo Masan cũng khẳng định sẽ giành thêm thị phần ở những ngành hàng chủ lực thực phẩm tiện lợi, đồ uống, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình để tăng doanh số. Ngoài ra, mảng thịt và khoáng sản kỳ vọng đóng góp lần lượt khoảng 9.000 tỷ đồng và 18.000 tỷ đồng vào tổng doanh thu của công ty
Để bổ sung nguồn vốn cho các dự án đầu tư lớn, Masan dự kiến phát hành tối đa 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, công ty dự tính chào bán tối đa 142 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn giá trị sổ sách.