“Máy mắt” là gì?
“Máy mắt” là hiện tượng mí mắt co giật do co thắt cơ dưới da mi, cơ vòng mi phần trước sụn và cung mày, có thể xảy ra ở 1 bên hoặc cả 2 bên mắt.
Thông thường, máy mắt xảy ra do các thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày, làm ảnh hưởng đến sức khỏe như:
- Do căng thẳng: Khi rơi vào trạng thái căng thẳng, mí mắt có thể bị giật do sự hoạt động mệt mỏi.
- Sử dụng chất kích thích: Những chất kích thích như caffeine hay rượu có thể khiến mắt bị giật, đặc biệt là khi chúng ta uống nhiều và thường xuyên.
(Ảnh minh họa)
- Thiếu magie: Thiếu hụt magie làm ảnh hưởng đến quá trình cân bằng dinh dưỡng và có thể gây ra hiện tượng máy mắt.
- Thiếu ngủ: Điều này sẽ khiến mắt mệt mỏi và dẫn đến máy mắt.
- Thiếu vitamin D và B12: Vitamin D giúp hấp thu canxi, mà canxi thì quan trọng cho sự co cơ và thư giãn. Thiếu canxi trong cơ thể gây ra co giật. Thiếu vitamin B12 dẫn đến bị run rẩy cũng như co giật mắt.
Tuy nhiên, máy mắt cũng có thể là biểu hiện của bệnh :
Khô mắt
Khô mắt thường gặp ở người cao tuổi là kết quả của sự lão hóa. Những người sử dụng máy vi tính, hoặc người uống một số thuốc như thuốc chống trầm cảm cũng bị khô mắt.
Dị ứng mắt
Dị ứng mắt cũng có thể gây ngứa mí mắt, sưng và chảy nước mắt. Khi mắt bị cọ xát, làm giải phóng một chất hóa học gọi là histamin vào các mô mắt gây ra co giật mắt.
Nếu bị dị ứng mắt, bạn phải đi khám bác sĩ, không nên tự ý nhỏ thuốc.
Viêm bờ mi
Viêm bờ mi là bệnh do nhiễm vi khuẩn hoặc do sự tắc nghẽn của các tuyến dầu vào mắt. Vì vậy, viêm mắt thường kèm theo co giật mí mắt và ngứa.
Một số bệnh khác
Máy mắt cũng có thể là biểu hiện của các bệnh như hạ đường huyết, bệnh parkinson, hội chứng Tourette và rối loạn các chức năng thần kinh, chủ yếu liên quan đến dây thần kinh số 7. Ngoài ra, nó cũng cảnh báo các bệnh như loét giác mạc, viêm màng bồ đào, khô mắt, zona mắt...
Do đó, nếu hiện tượng máy mắt vẫn kéo dài, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra ngay.
Quỳnh Mai (t/h)