Nếu giàu có thì không nói làm gì, đằng này nhà Lương khá khó khăn về mặt kinh tế nên cứ đến ngày lễ chạp gì là cả nhà cứ nhốn nháo, bàn ra tính vào xem làm thế nào để giảm tải kinh tế.
Lương về làm dâu được hai năm đã thấy thống khổ nỗi khó khăn khi lấy chồng nghèo. Tiền lương hai vợ chồng gộp lại cũng chỉ được 6 triệu mỗi tháng, bố mẹ chồng làm nông nghiệp nên cũng chỉ thêm thắp được đồng ra đồng vào, đó là chưa tính đến những dịp các cô em chồng lân la về nhà mẹ đẻ bòn rút, xin xỏ đủ thứ cũng chỉ vì lấy chồng nghèo.
Trước đây, khi yêu chưa bao giờ Lương nhìn trước được tương lai mù mịt như vậy. Cô luôn nghĩ cuộc sống vợ chồng chỉ cần yêu thương nhau, chịu khó làm việc là đủ, giàu nghèo có số. Nhưng sau hai năm sống cảnh túng thiếu, đã thế kể từ ngày sinh con nhỏ Lương càng cảm thấy cuộc sống bức bách hơn, muốn chi tiêu gì cũng phải ngó trước nhìn sau, suy đi tính lại đến cả trăm lần.
Mấy ngày hôm nay Lương đau đầu vì tiền, làm thế nào cũng không xong.
Ngày thường thì không sao, nhưng hễ đến ngày lễ, cưới xin, đám giỗ, đặc biệt là ngày Tết thì tình cảm mẹ chồng – nàng dâu gia đình Lương lại xấu đi tồi tệ, mâu thuẫn cũng chỉ vì tiền bạc mà ra.
Sắp đến Tết gia đình Lương phải sắm đồ Tết sớm hơn so với các gia đình khác. Mẹ chồng Lương luôn nhắc nhở con cái “Trước Tết vài tháng đã phải tính toán rồi, đừng để nước đến chân mới nhảy. Từ mắm muối, măng, miến… phải sắm dần, chứ cứ để đến cận kề ngày Tết không khéo chưa đi đến chợ đã hết tiền thì gay to. Vợ chồng cài Lương tính thế nào thì tính Tết năm nay hai vợ chồng lo liệu đi. Tiền bạc đưa đây mẹ còn liệu đường mà sắm”.
Nếu chỉ như vậy có lẽ đã không nên chuyện, đằng này mẹ chồng Lương lại luôn lấy sức ép tiền bạc đè nặng lên vai con dâu, trong khi gia đình còn túng thiếu tiền bạc thì mẹ chồng Lương lại bòn rút tiền từ con trai đem cho con gái mang về nhà chồng. Lương một tay con nhỏ, một tay cực nhọc kiếm tiền trang trải cho gia đình. Những tháng gần đây cứ hễ đến ngày lĩnh lương là mẹ chồng Lương lại rình rập.
Một tháng được 3, 4 triệu, Lương chỉ dám giữ lại cho mình vài trăm còn lại đều phải “gửi” mẹ chồng. Sáng nào mẹ chồng cô cũng dậy từ sớm đi chợ, đồ Tết bà sắm đến 2, 3 phần như nhau, nào là của nhà, của con gái thứ hai, của cô con gái út… Lương không phải là người chị dâu keo kiệt hay tính toán gì. Nhưng dù là anh chị em thì khi đã lớn, dựng vợ gả chồng rồi “riêng ai phận nấy, đầu ai chấy ấy” làm sao cô có thể nai lưng mãi đi kiếm tiền về để nuôi đến 3, 4 hộ gia đình.
Nay mẹ chồng Lương cứ sẵn tiền con dâu đi làm mua đủ thứ cho con gái thì Lương không thể chấp nhận chuyện đó. Thế nhưng khi Lương ý kiến với mẹ chồng thì bà nhảy bổ vào con dâu, quy kết cho Lương là chị dâu tính toán. Bà cầm đồ Tết từ gói mỳ chính, hộp bột canh, nắm miến, túi măng ném thẳng vào mặt Lương và tuyên bố từ nay không mẹ con gì hết.
Mấy ngày hôm nay Lương đau đầu vì tiền, làm thế nào cũng không xong. Hai mẹ con ngày ngày giáp mặt nhau nhưng lại coi nhau như người dưng nước lã. Đến bây giờ Lương mới thấy thống khổ thật sự cái nghèo và thấy sợ luôn khi ai nhắc đến Tết.
MINH TRANG