Niềm vui dồn dập
Tham dự Olympic Toán quốc tế lần thứ 58, cả 6/6 thí sinh của Việt Nam đều giành Huy chương. 4 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng. Với kết quả này, Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Toán học quốc tế năm 2017 đứng thứ 3 trên tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, sau Hàn Quốc và Trung Quốc, các vị trí thứ 4 và thứ 5 kế tiếp là Hoa Kỳ và Iran.
Đây là kết quả cao nhất trong lịch sử 43 năm Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế. Đặc biệt hơn, em Hoàng Quốc Hữu Huy, học sinh trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt điểm cao nhất (35 điểm) trong hơn 600 thí sinh dự thi Olympic Toán học quốc tế năm 2017, cùng 2 thí sinh của Nhật Bản và Iran.
Đội tuyển Olympic Vật lý Việt Nam |
Cuộc thi Olympic Hoá học quốc tế năm 2017, lần thứ 49 được tổ chức ở Vương Quốc Thái Lan, có 76 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự với tổng số 297 thí sinh. Đội tuyển Olympic Hoá học quốc tế của Việt Nam có 4 thí sinh dự thi cũng đều giành huy chương cao chót vót: 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc. Đây cũng là kết quả cao nhất của đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế từ trước đến nay.
Tương tự, tại kỳ thi Olympic Vật lí quốc tế năm 2017, “đánh bại” hơn 400 thí sinh của 86 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, đoàn Olympic Vật lý Việt Nam đoạt 4 Huy chương Vàng; 1 Huy chương Bạc, đứng thứ 5 sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Singapore. Cũng như đoàn Olympic Hóa học và Olympic Toán học, kết quả này của đội tuyển Olympic Vật lí quốc tế là thành tích cao nhất từ trước đến nay.
Đội tuyển Plympic Hóa học Việt Nam |
Thành tích chưa dừng lại ở đó. Nhiều thí sinh trong đoàn Olympic năm nay giành “cú đúp” Huy chương Vàng liên tiếp. Đơn cử, thí sinh Đinh Quang Hiếu (lớp 12 THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) trong đoàn Olympic Hoá học. Ở kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2017, Hiếu đạt số điểm 92,13/100 và xếp thứ 9 trên tổng số 297 thí sinh dự thi của 76 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Trước đó, tại kỳ thi năm 2016 diễn ra tại Gruzia, Hiếu từng là một trong hai thí sinh giành được Huy chương Vàng. Thời điểm đó, dù mới chỉ lớp 11 và lần đầu tiên tham dự kỳ thi tầm quốc tế, Hiếu đã là người đạt điểm thi cao nhất đoàn Việt Nam với 89,764 điểm, đứng thứ 7/280 thí sinh tham dự Olympic Hóa học quốc tế năm 2016.
Ở môn Vật lý, Nguyễn Thế Quỳnh (học sinh trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, tỉnh Quảng Bình) cũng trở thành thí sinh 2 năm liền làm được điều này. Kết thúc kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2017, Nguyễn Thế Quỳnh giành được tấm Huy chương Vàng với số điểm 29,95. Đây là tấm Huy chương Vàng thứ hai Quỳnh giành được tại các kỳ Olympic Vật lý quốc tế và huy chương thứ 3 trong khuôn khổ những cuộc thi mang tầm quốc tế.
Nỗ lực tạo nhân tài cho đất nước
Chia sẻ với báo chí, Giáo sư Ngô Bảo Châu khẳng định, “chúng ta có một lớp kế cận tài năng. Nếu tính về con số thì có thể thấy, Toán học Việt Nam cao hơn nhiều so với những nước có nền giáo dục Đại học phát triển hơn Việt Nam như Singapore về các bài báo quốc tế…”.
Có được thành quả rực rỡ như năm nay, bên cạnh nỗ lực của bản thân các thí sinh thì phải kể đến công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường và các thầy, cô giáo đã không quản vất vả dìu dắt, sát cánh bên các em học sinh. Đó là một quá trình bền bỉ và cần nhiều tâm huyết, bắt đầu từ khâu phát hiện nhân tài, chọn lọc và bồi dưỡng. Tất cả đều phải có chiến lược cụ thể thì mới có được “quả ngọt” như ngày hôm nay.
Nhìn vào chiến thắng vang dội từ các đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic quốc tế 2017, nhiều giáo viên khẳng định, công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi trong thời gian qua là hướng đi đúng đắn của ngành Giáo dục. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi và đào tạo có mũi nhọn rất cần tiếp tục được phát huy để thế hệ học sinh Việt Nam được cọ xát, khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế. Đây cũng là cách để ngành Giáo dục đào tạo nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Theo ông Lê Quốc Hùng – Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa – Vũng Tàu) - một “cái nôi” cho “ra lò” nhiều học sinh giỏi quốc tế: Song song với giáo dục đại trà, chúng ta cần chú trọng đến giáo dục mũi nhọn và lựa chọn những học sinh xuất sắc để tham dự quốc tế, sánh vai với các cường quốc năm châu. Trong tương lai, các em học sinh giỏi quốc tế sẽ là những nhân tố quan trọng để sáng kiến, sáng tạo và phát minh mới trong khoa học, kỹ thuật, nhất là hiện nay cuộc cách mạng 4.0 đang bùng nổ.