Một nghề cho chín còn hơn 9 nghề

[Ngày Nay] - Đó là suy nghĩ của Nguyễn Văn Thiết- chàng trai đất Nghệ sinh ra ở xã nghèo Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Thiết tự tin vào đời bằng “đôi tay vàng” của thợ điện như anh trai mình – Nguyễn Văn Long. Bố mẹ Thiết chẳng thể ngờ có ngày, cả hai cậu con trai cùng đạt giải Vàng thi nghề ASEAN, cùng được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Một nghề cho chín còn hơn 9 nghề

Không màng bằng đại học

Nguyễn Văn Thiết, SN 1995, SV năm cuối trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội là con út trong gia đình. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp THPT, Thiết dự thi ĐH và đỗ NV2 vào các trường ĐH Vinh, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh… “Nhưng, hồi đó, tôi nộp hồ sơ để có giấy báo trúng tuyển đại học gửi về gia đình chứ không định nhập học. Tôi chỉ muốn làm bố vui và chứng minh với bà con chòm xóm rằng tôi không đến nỗi nào” - Thiết kể.

Trước khi kết thúc phổ thông, Thiết đã luôn định hướng, học đại học mà không tìm được việc làm, tự nuôi sống bản thân thì rất tốn cơm tốn gạo của ba mẹ, trong khi đó, hàng năm, báo đài thống kê tỷ lệ cao cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường. Bố mẹ Thiết là những nông dân chính hiệu ở Nghệ An. Nguồn sống của gia đình chỉ trông vào sào ruộng, đàn gia cầm… Cũng vì khó khăn mà chị gái SN 1993 của Thiết đã phải nghỉ học từ năm lớp 10 để vào miền Nam làm việc kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Không có điều kiện học cao, dĩ nhiên, bố mẹ Long và Thiết luôn mong các con mình sẽ được học hành tới nơi tới chốn.  Nhưng Thiết tự muốn đi học nghề dù chưa xác định được chọn trường nào và học ngành nào. Vậy là, sau khi tốt nghiệp THPT, trong khi các bạn căng thẳng với kì thi đại học, Thiết xin đi làm bốc vác gạo thuê với mức thù lao chỉ 40.000 đồng/tấn gạo. Tính ra cả tháng Thiết chỉ kiếm được gần 3 triệu đồng.

Những tháng ngày làm phu khuân vác vất vả, Thiết thấm thía một điều, muốn đổi đời, cậu phải học cho được một nghề. Nhà nghèo, Thiết lại càng phải cố gắng bươn trải, Thiết tạm cất đi ham muốn nỗ lực kiếm bằng đại học như bao bạn bè cùng trang lứa.

Anh trai Thiết là Nguyễn Văn Long (SN 1990). Thời điểm Thiết đang loay hoay với những bao gạo nặng sụn lưng, Long đang học khóa 2, học nghề lắp đặt và điều khiển điện tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Một ngày, Thiết và mẹ bỗng nhận được điện thoại của anh trai gọi về, báo tin đã giành giải Nhất thi nghề quốc gia và được chọn vào đội tuyển đại diện Việt Nam đi thi nghề ASEAN. Long muốn mời mẹ và em trai lên Hà Nội chia vui với mình. “Cả nhà tôi hoàn toàn bất ngờ vì anh Long giấu kín mọi việc. Tôi chỉ biết anh mình đang học nghề ở Hà Nội, nhưng không  ghĩ anh giỏi vậy”- Thiết nhớ lại. Bẵng đi một thời gian, trong cuộc điện thoại thứ 2, Long lại báo tin với gia đình mình tiếp tục giành giải Vàng thi nghề ASEAN lần thứ 10 năm 2014 sau khi đã vượt qua hàng chục đối thủ nặng ký khác đến từ nhiều quốc gia trong khu vực.

Một nghề cho chín còn hơn 9 nghề ảnh 1

“Nghe điện thoại xong, bố mẹ tôi òa khóc vì mừng. Cả nhà lại lặn lội từ quê lên Hà Nội, chứng kiến giây phút anh được vinh danh tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội. Tại đây, anh Long đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”- Thiết kể.

Từ giây phút trông thấy anh hái quả ngọt, không còn lăn tăn tìm hướng vào đời nữa, Thiết quyết tâm sẽ noi gương anh, trở thành một thợ điện giỏi.

Chiến thắng cho những người biết nỗ lực

Ông Nguyễn Văn Quế - bố của Thiết và Long nhớ lại, ngày con trai đầu của ông chọn đi học nghề, ông cũng có chút đắn đo. Bởi nhiều người có tấm bằng cử nhân còn lận đận vào đời thì con ông chỉ học nghề, liệu sẽ thế nào. Nhưng, thay vì ngăn cản, ông bà chỉ biết đặt trọn niềm tin vào chọn lựa của con. Và rồi, “thằng anh đi trước dẫn theo thằng em theo sau. Hai anh em chúng nó đã lần lượt đạt được thành công nhất định. Làm bố làm mẹ, chúng tôi chẳng còn mong nào hơn thế”- ông Quế nghẹn ngào.

Nhập học trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội muộn gần 1 học kỳ, nhưng Thiết đuổi kịp các bạn rất nhanh. Anh của Thiết dự thi thợ giỏi khi đã học năm thứ 3, còn Thiết, mới chân ướt chân ráo vào trường, chưa hiểu gì về điện, đã “cả gan” đăng ký dự thi nghề quốc gia. Bởi trong đầu Thiết đã đặt mục tiêu, phải đạt được thành tích giống như anh trai mình, lập nên kỷ lục “một nhà có hai bàn tay Vàng quốc gia và ASEAN”.

Nghĩ là làm, Thiết nỗ lực học, thậm chí khi hết giờ trên lớp rồi mà trong đầu vẫn ong ong mạch điện, con số. Những buổi thực hành láp ráp thiết bị, Thiết làm đi làm lại nhiều tới mức tay muốn đơ, đầu óc tưởng chai lì. Nhưng Thiết quyết không từ bỏ. Ban đầu Thiết lắp ráp một thiết bị hết 4 tiếng, sau rút ngắn còn 2 tiếng, rồi 45 phút và đến lúc bước vào kỳ thi quốc gia, Thiết chỉ lắp trong vòng 25 phút. Giành giải Nhất quốc gia, Thiết và đồng đội là hai thí sinh của Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội đại diện Việt Nam vinh dự sang Malaysia thi tài ở nhóm nghề Tự động hóa công nghiệp tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 11.

Kỳ thi được tổ chức ở ngay công viên. Dõi theo Thiết và hai người bạn đồng hành là hàng trăm con mắt đổ dồn vào từng cử chỉ: chuẩn bị đồ bảo hộ, vặn ốc, lắp ráp điện… Thiết thừa nhận: “Thực tế đã có đội thi phải bỏ cuộc vì quá căng thẳng. Lúc ấy em cũng run lắm, nhưng nếu không vững tâm lý, thí sinh sẽ bị khớp, run tay trong khi chỉ cần làm rơi con ốc, đội sẽ bị trừ điểm ngay.

Ngày thi thứ nhất, Thiết và đồng đội phải đứng liên tục nhiều tiếng đồng hồ, mồ hôi túa ra mờ hết chiếc kính bảo hộ. Tự nhủ phải gắng hết sức vì màu cờ sắc áo Tổ quốc, Thiết và đồng đội không nghĩ được gì ngoài việc dồn sức thi. Kết quả, đoàn Việt Nam hoàn thành đầu tiên trong 2 tiếng 45 phút, trong khi thời gian BTC quy định là 5 tiếng.

Ngày thứ hai, vì hai chiếc cầu chì bị thiếu ruột mà đoàn Việt Nam chấp nhận về thứ hai sau 4 tiếng 53 phút, chỉ cách đoàn chủ nhà Malaisia 1 phút.

Một nghề cho chín còn hơn 9 nghề ảnh 2

Ngày thứ ba, với đề bài bằng tiếng Anh dài tới vài trang giấy, sau 7 tiếng lập trình, đoàn Việt Nam lại vượt lên dẫn đầu. Cuối cùng, Thiết và đồng đội đã xuất sắc giành  huy chương Vàng, cùng các đội Malaysia và Indonesia. Cuộc thi không có HCB. Một số đoàn khác được trao chứng chỉ nghề.

Vậy là Thiết đã hoàn thành ước mơ lập kỷ lục của mình. Từ Malaysia, Thiết tự hào gọi về Việt Nam cho bố mẹ và  anh trai báo tin vui. Tại lễ vinh danh đoàn thí sinh Việt Nam đi thi tay nghề ASEAN được tổ chức tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao cho Thiết Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Trong căn nhà của hai vợ chồng ông Quế giờ đây đã đầy ắp bằng khen, giấy khen của các con trai thợ điện. Ngoài Bằng khen của Thủ tướng, huy chương Vàng thi tay nghề ASEAN, hai anh em Long còn giành được thêm nhiều danh hiệu, phần thưởng khác như bằng khen của UBND TP Hà Nội, bằng khen của Hiệp hội dạy nghề, danh hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Đoàn Thanh niên, danh hiệu thợ trẻ xuất sắc…

Suốt thời gian học nghề, hai anh em Thiết – Long đều được nhận học bổng của trường nên ở quê, gánh nặng nuôi con ăn học nơi thành phố của bố mẹ Long, Thiết giảm đi rất nhiều. Ngay sau khi ra trường Nguyễn Văn Long được một công ty của Nhật Bản mời về làm việc, quản lý hai phòng sản xuất sản phẩm motơ với mức lương rất hấp dẫn. Hiện, Long không chỉ tự lo cho bản thân, mà còn thay bố mẹ nuôi các em ăn học ở Hà Nội. Còn Thiết, với đôi bàn tay Vàng, cũng đã nhìn thấy rất nhiều cơ  hội nghề nghiệp mở ra trước mắt mà chưa cần đợi tới khi tốt nghiệp. Hai anh em còn dành dụm được khoản tiền để dự kiến đầu năm 2017 sẽ giúp bố mẹ xây lại căn nhà cấp 4. Hiểu được lợi ích của việc học nghề, Long đã định hướng cho em gái lên Hà Nội học lấy cái nghề để lập nghiệp. Vậy là ông bà Quế, có 3 con thì cả 3 con đều thoải mái đi học nghề.

Để đứng vững trong cuộc sống, Thiết hiểu, người công nhân trong thời @ không chỉ giỏi tay nghề, mà còn cần biết kỹ năng mềm, giỏi ngoại ngữ… Vì thế, Long đang theo học bậc đại học tại ĐH Công nghiệp Hà Nội. Thiết còn nghĩ xa hơn, có thể tìm kiếm học bổng du học dành cho thợ giỏi.

Nguyễn Văn Long nói vui: “Nếu ngày trước, anh em tôi khăng khăng vào đại học bất chấp việc đó có cần thiết hay không, thì có lẽ, giờ đã không thành công được như thế này. Bố mẹ lo cho các con học đại học cũng thêm gánh nặng kinh tế. Không việc gì phải ngại khi chọn cho mình con đường học nghề”. 

Nghe điện thoại xong, bố mẹ tôi òa khóc vì mừng. Cả nhà lại lặn lội từ quê lên Hà Nội, chứng kiến giây phút anh được vinh danh tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội. Tại đây, anh Long đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”Nguyễn Văn Thiết

Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.